Nhọc nhằn bám... rác
Những năm gần đây, do chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân ở một số tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam, Nam Ðịnh, Thanh Hóa... kéo lên thành phố kiếm việc làm, "lập" nên những xóm ngụ cư ven sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên, xóm "nổi", xóm đồng nát, xóm "ổ chuột"...
Nằm giữa mảnh "đất vàng" Hà Nội, ngay sát "con đường đắt nhất hành tinh", khu bãi rác Hoàng Cầu, thuộc phường Ô Chợ Dừa (quận Ðống Ða, Hà Nội) rộng chừng 1.000 m2. Tại đây có hơn hai trăm con người sinh sống, chủ yếu bằng nghề thu mua phế liệu.
Tìm đến xóm đồng nát Hoàng Cầu lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng, khang trang trong một ngày mưa tầm tã chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi rác ngập ngụa lối đi, tanh nồng, những bao rác lớn nhỏ ngổn ngang, những vỏ chai lọ chất thành đống.
Những tưởng lên thành phố sẽ có cuộc sống khấm khá hơn nhưng thực tế họ phải sống lay lắt trong những căn nhà ọp ẹp được xây dựng tạm bợ, chắp vá bằng những tấm tôn, mảnh gỗ, ni-lông, cót ép...
Anh Ðức (quê Xuân Trường, Nam Ðịnh) vừa thoăn thoắt gỡ, phân loại từng dây nhôm và đưa lên bàn cân vừa cho biết: "Khu lán tạm này, chúng tôi chung nhau thuê lại của chủ đất với giá sáu triệu đồng rồi cơi nới, dựng lên những căn nhà tạm bằng gỗ, cót ép, ni-lông... chừng 10 đến 15 m2".
Những người sống ở đây cho biết, ngày hè thì nóng bức, ngày đông thì lạnh cóng bởi những cơn gió luồn qua vách, ngày nồm thì khổ sở vì nền nhà ướt sượt... Trong gian nhà 10 m2, chung nhau khoảng không gian nhỏ hẹp là chỗ ở của bốn đến năm người, có lúc lên đến 10 người, với lỉnh kỉnh đồ đạc.
Căn nhà của bà Quý được coi là khang trang nhất khu, người có thâm niên hơn chục năm trong nghề đồng nát nay là chủ của một cơ sở lớn thu mua phế liệu. Dưới ánh đèn nê-ông mập mờ, không nhìn rõ mặt người, có hàng chục phụ nữ trung tuổi đang làm việc. Người thì phân loại rác, người nhanh tay "sơ chế" từng loại vỏ chai lọ, người đập búa chan chát để tách mảnh sắt, nhôm, đồng,... xen vào đó là tiếng trò chuyện rôm rả, hỏi thăm nhau tình hình quê nhà, vì mới có người ở quê ra.
"Sở dĩ phải phân loại từng thứ ra như vậy để tiện cho các chủ đại lý lớn hơn ở trên Bắc Ninh, Thái Nguyên về thu mua, thậm chí có cả những thương lái Trung Quốc cũng đến mua. Những bìa các-tông thì để tái chế thành giấy viết, những vỏ chai nhựa thì tái chế thành móc quần áo, các chai thủy tinh, nhôm, đồng, sắt vụn thì được tái chế..." - bà Quý cho biết.
Anh Tuấn (quê Thanh Hóa) đã sống năm năm ở khu này tâm sự: "Làm nghề này phải chấp nhận vất vả, cơ cực, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ, đến bữa ăn cũng phải vội vàng, nhanh chóng để tiếp tục công việc".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, giá mỗi cân giấy vụn mà cánh đồng nát thu mua là hai nghìn đến ba nghìn đồng, bán lại cho chủ buôn, mỗi cân lãi được năm trăm, đến tám trăm đồng. Còn những tấm cửa nhôm, sắt hay dây điện, đồ điện cũ, sau khi cạo sạch gỉ, người thu mua có thể đem bán với giá gấp hai đến ba lần. Ðây là những món hàng mang lại lợi nhuận cao cho nghề này.
Công việc của những người dân xóm đồng nát chủ yếu được thực hiện vào ban đêm khi mà mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, thường từ 10 giờ đêm đến 2, 3 giờ sáng. Ban ngày, họ phải đến tận hang cùng ngõ hẻm thu nhặt từng loại rác thải.
Chị Hoa (quê Hà Nam, mới đến xóm đồng nát hơn một năm) vừa cặm cụi dỡ từng bao tải trên chiếc xe đạp cũ kỹ, vừa kể: "Ngày nào tôi cũng miệt mài đạp xe đi rao, thu mua phế liệu từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về. Chỉ dừng xe trong giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, ngồi tạm bên lề đường, góc phố, ăn vội miếng cơm nắm, mẩu bánh mì cho đỡ đói. Nhiều hôm tôi phải đi rã rời chân tay, bụng đói meo mà không mua được nhiều, vẫn phải cố đi, thêm thắt đồng nào hay đồng ấy. Phải làm lụng vất vả, cơ cực là vậy nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Như tôi, trung bình thu nhập khoảng hai triệu rưỡi đến ba triệu đồng mỗi tháng. Trừ tất cả các khoản chi phí, như tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện nước..., phải chắt bóp tằn tiện lắm mới dư ra chút tiền gửi về quê".
Giấc mơ "lên đời"
Ðành lòng rời làng quê, mẹ già và con nhỏ là điều không ai mong muốn, nhưng vì mưu sinh họ đành phải chấp nhận. Chị Bảy, quê Xuân Phong (Nam Ðịnh) chia sẻ: "Làng tôi nhiều người đi làm nghề này lắm, mỗi hộ nhiều thì ba, bốn người, ít thì một người. Không nhà nào không có người đi. Có đến 90% người dân khu này là người quê Nam Ðịnh".
Nhiều người cho rằng, tuy làm việc ở đây vất vả, đạp xe quanh năm suốt tháng rát hết cả đùi nhưng tính ra thu nhập cũng hơn ở quê. Chị Bảy giãi bày: "Ở đây, nếu tằn tiện thì vẫn có đồng ra đồng vào, còn hơn là làm nông ở quê. Tính ngày công thì mỗi ngày cũng được 100 nghìn đồng, chứ ở quê vào những ngày nông nhàn thì kiếm đâu ra".
Vượt qua sự định kiến, dè bỉu của xã hội, những người dân ngụ cư nơi đây vẫn cần mẫn làm việc để dành dụm những đồng tiền ít ỏi cho con ăn học, có cuộc sống đầy đủ hơn. Hầu hết, những người chấp nhận ra Hà Nội sống chui rúc trong khu ổ chuột này đều nuôi ước mơ con cái thành tài, thoát kiếp nghèo khổ, vất vả như bố mẹ.
Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị Cúc, quê ở Xuân Trường, Nam Ðịnh bùi ngùi: "Hồi xưa, khi tôi chưa lên đây, chồng tôi thì ốm đau liên miên, gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, làm không đủ tiêu. Thấy nhiều người ở quê ra Hà Nội làm nghề này có đồng ra đồng vào, nên tôi cũng đánh liều theo chị em ở xóm. Qua mấy năm, tôi cũng tích góp được một khoản đủ lo thuốc thang cho chồng, sửa sang được cái nhà ở quê. Thậm chí có những người mua được xe, xây được nhà".
Chị Cúc tự hào, đôi mắt ánh lên niềm vui khi nhắc đến ba đứa con nhỏ: "Chúng nó biết gia đình khó khăn nên đều chịu khó học hành. Mới đây, đứa thứ hai nhà tôi đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, còn đứa lớn đang ôn thi vào đại học". Những thành tích của các con làm vơi đi những mệt mỏi, là nguồn sức mạnh tinh thần rất lớn động viên, giúp chị và bao bậc làm cha, làm mẹ nơi đây ngày ngày đi bộ, đạp xe hàng chục cây số trên khắp các nẻo đường, ngách phố tần tảo kiếm sống.
"Cũng biết là con đỗ đại học thì gia đình lại vất vả hơn nhiều, nhưng tôi nghĩ đời mình chịu khổ đến đâu cũng phải cố, để các con được đi học, mong sao lớn lên chúng nó đỡ khổ như mình"- chị Cúc nói.
Ðể có được những đồng tiền ít ỏi, họ phải đổ mồ hôi, công sức, thậm chí cả sức khỏe của mình, vì sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề.
Cô Bình, người sống ở xóm đồng nát hơn chục năm chia sẻ: "Những ngày nắng gắt, mùi rác bốc lên nồng nặc, không thể chịu nổi, tôi không dám ở nhà nhiều, chỉ đến tối muộn mới về. Còn những ngày mưa thì đường đi ướt lẹp nhẹp, không gian ẩm thấp, khó chịu". Không những thế, có những người do tiếp xúc nhiều với rác nên một phần bàn tay bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, nhưng họ vẫn phải tiếp tục "bám nghề" vì mưu sinh.
Rời xóm đồng nát trong chiều muộn, chúng tôi vẫn không khỏi bị ám ảnh bởi những đống rác ngổn ngang, mùi hôi thối, tanh nồng, những tiếng gọi nhau í ới, tiếng búa đập chan chát không ngừng, cuộc sống của họ vẫn tiếp diễn với những vòng quay lo toan về tương lai.
Phố Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, Ðống Ða, Hà Nội) trong tương lai gần sẽ là một trong những khu đất đẹp nhất của Hà Nội khi tuyến đường sắt trên cao và Dự án vành đai 1 được hoàn thành. |