Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động với tổng mức hỗ trợ hơn 34,9 tỷ đồng,... Mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 của các đơn vị trong ngành đạt bình quân khoảng 1,5 đến 2 tháng lương (thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/tháng). Trong đó, các doanh nghiệp phía nam duy trì mức thưởng khoảng 1,5 tháng; còn phía bắc đạt 1,5 đến 2 tháng lương. Ðơn vị nào làm ăn tốt, mức thưởng có thể đến 3 tháng lương.
Dịp Tết Nguyên đán, Công đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến chi 3 tỷ đồng (gấp hai lần năm trước) để hỗ trợ người lao động, đặc biệt ưu tiên người lao động tại đơn vị bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nề. Các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho người lao động như tháng lương thứ 13, thưởng Tết, tặng quà Tết; bố trí phương tiện, hỗ trợ vé tàu xe về quê; tổ chức vui Xuân cho những người ở lại,... dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương, năm qua đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng nhờ sự nỗ lực của tập thể người lao động, Hugaco đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh việc bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động, dự kiến thưởng Tết Nguyên đán năm nay trên toàn hệ thống Hugaco đạt bình quân khoảng 15 triệu đồng/người, trong đó, một số đơn vị đạt hơn 20 triệu đồng/người.
Ðối với ngành xi-măng, mặc dù xuất khẩu khả quan, nhưng sức ép tiêu thụ nội địa khá lớn, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị phải chủ động tiết giảm sản xuất. Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (Vicem) Phạm Minh Ðức cho biết, các đơn vị thành viên của Vicem đã nỗ lực điều chỉnh, đạt các chỉ tiêu kế hoạch Tổng công ty đề ra. Lương bình quân hằng tháng của cán bộ, công nhân viên đạt gần 16,5 triệu đồng/người, tăng hơn 1 triệu đồng so năm trước, đồng thời dự kiến giữ nguyên mức thưởng Tết như năm trước. Công đoàn Vicem phối hợp công đoàn các cấp thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống đối với người lao động. Năm nay, Vicem chi cho an sinh xã hội 30 tỷ đồng, một nỗ lực rất lớn nhằm giữ chân người lao động. Chánh văn phòng Vicem Hoàng Thạch Lưu Mạnh Hào cho biết, do tác động của dịch bệnh, nhiều bộ phận của đơn vị phải trực liên tục. Ðơn cử từ ngày 3/11 đến nay, cán bộ, kỹ sư phòng điều khiển trung tâm phải ăn ở tập trung tại nhà máy để bảo đảm vận hành sản xuất. Thời điểm này, Vicem Hoàng Thạch đã chuẩn bị đầy đủ quà Tết cho cán bộ, công nhân viên công ty, mỗi suất 1,5 triệu đồng, đồng thời giữ nguyên mức tiền thưởng Tết như năm trước (hơn 15 triệu đồng/người).
Giám đốc Ban dự án Hóa dầu Long Sơn thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Hải Long cho biết, đợt bùng phát dịch vừa qua, có thời điểm gần 400 trong số khoảng 1.600 người lao động của Lilama tại dự án trở thành F0, dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng nhân lực. Ban đã phối hợp chủ đầu tư, các nhà thầu và chính quyền địa phương để duy trì an toàn sản xuất, bám sát tiến độ cũng như chăm lo tốt nhất cho người bệnh và người lao động. Với đặc thù trên các công trường hiện nay tìm kiếm thợ thay thế rất khó khăn, đơn vị đã chủ động có chính sách giữ chân và hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc. Như thường lệ, Tết năm nay mỗi người lao động của Lilama tại công trường được thưởng 1 triệu đồng, phía chủ đầu tư cũng hỗ trợ thêm. Dự kiến, mức thưởng Tết năm nay tương đương một tháng lương. Ðơn vị cũng lên phương án thi công xuyên Tết theo yêu cầu của chủ đầu tư nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) Lê Quốc Khánh cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không trong nước cũng như quốc tế. Triển vọng phục hồi ngành hàng không thế giới, khu vực và Việt Nam càng trở nên mong manh, thậm chí liên tục xuyên thủng "đáy" của suy giảm. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, để cân đối thu chi, quỹ tiền lương năm 2021, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phải tiếp tục cắt giảm hơn 367 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020 (đạt 64,6%). Bên cạnh các khoản như tiền thưởng, lương năng suất cho người lao động, các khoản chi mang tính phúc lợi khác tiếp tục không có nguồn chi trả, hiện nay, tiền lương giờ cho kiểm soát viên không lưu và chi ăn ca cho người lao động cũng phải tạm dừng. Do đặc thù công việc, lực lượng lao động trực 24/24 giờ theo đúng các vị trí do nhà chức trách hàng không quy định, người lao động vẫn phải đi làm đủ ca, hoạt động tác nghiệp bình thường. Người lao động được coi là "tài sản" quý, các đơn vị ngành hàng không tuy phải cắt giảm tối đa chi phí nhưng vẫn phải dồn lực để bảo đảm mức lương. Mặc dù vậy, với mức sụt giảm có nguy cơ tiếp tục kéo dài, khó khăn hiện hữu trước mắt của ngành hàng không là giữ chân người lao động. Với hãng Vietnam Airlines, Tết đến thắp lên niềm hy vọng được trở lại "ngày bình thường mới" để những chuyến bay tấp nập mọi miền. Nhằm hỗ trợ nhân viên trong thời điểm khó khăn, hãng đã chi bổ sung lương, quỹ khen thưởng, tặng quà dịp Tết cho người lao động. "Việc chi trả lương bổ sung cho người lao động và tặng quà nhân dịp Tết là sự ghi nhận của lãnh đạo Tổng công ty đến đời sống, tinh thần của người lao động, nhất là trong thời điểm sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn", lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết. Bước sang năm 2022, Vietnam Airlines kỳ vọng mỗi người lao động tiếp tục nỗ lực, đồng lòng vượt qua thách thức, khó khăn trước mắt và xây dựng hãng ngày càng lớn mạnh.
Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Ðặng Thanh Hải, năm 2021 là năm thành công nhất của Tập đoàn trong 10 năm gần đây. Tập đoàn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, sản xuất tăng trưởng bình quân 8-10% so năm 2020, việc làm, thu nhập người lao động được bảo đảm. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Tập đoàn sẽ tổ chức "Tết thợ mỏ", giao các đơn vị thành viên thực hiện để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Lê Thanh Xuân cho biết, Tập đoàn đã chuẩn bị 2.500 suất quà, mỗi suất trị giá 2,5 triệu đồng cho các đối tượng công nhân tiêu biểu, công nhân gặp khó khăn, bị tai nạn lao động. Các đoàn viên được tặng quà Tết mỗi người 300 nghìn đồng (tổng trị giá hơn 29 tỷ đồng); ngoài ra, xây hơn 30 nhà cho công nhân bị tai nạn (hơn 2,5 tỷ đồng); bàn giao 151 nhà "Mái ấm công đoàn" cho các gia đình thợ mỏ (trị giá hơn 6 tỷ đồng),... Giám đốc Công ty Than Thống Nhất Nguyễn Mạnh Toán cho biết, năm 2021, dù ảnh hưởng dịch, song kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị vẫn tăng trưởng, thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 16 triệu đồng/tháng, thợ lò khoảng 20 triệu đồng/tháng. Dịp Tết Nguyên đán, công ty sẽ bố trí hỗ trợ phương tiện cho hơn 3.300 công nhân về quê, mức thưởng Tết cũng phấn đấu cao hơn năm trước chút ít (hơn 6 triệu đồng/người). Các hoạt động chăm lo Tết thiết thực là nguồn động viên thợ mỏ, giúp họ luôn yên tâm gắn bó, cống hiến hết mình cho ngành than.
Với truyền thống của người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp hết sức đặc biệt, thiêng liêng. Chăm lo chu đáo cho người lao động chính là chiến lược nhằm bảo vệ chính doanh nghiệp trước cơn biến động của dịch bệnh, thị trường. Ðiều đáng mừng là năm 2021, mức độ khó khăn có phần còn nặng nề hơn, song nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng dành nguồn lực lớn để thưởng Tết cho người lao động bằng hoặc nhỉnh hơn năm trước một chút. Khoản thưởng Tết có ý nghĩa động viên tinh thần lớn lao, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với "tài sản" quý của mình.