Xây dựng văn hóa công nhân trong kỷ nguyên mới

Bài 2: Văn hóa công nhân - nguồn lực quý

Việc xây dựng văn hóa công nhân không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, mà còn là yếu tố then chốt trong sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa công nhân với những giá trị cốt lõi về ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động, tinh thần đoàn kết và sáng tạo, là nguồn lực tích cực không chỉ cho bản thân người lao động mà còn cho doanh nghiệp, xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam do Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội xây dựng. (Ảnh Ngọc Ánh)
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam do Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội xây dựng. (Ảnh Ngọc Ánh)

Đi tìm giải pháp đồng bộ

Bên cạnh các vấn đề như việc làm, thu nhập thì đời sống văn hóa, tinh thần cũng là một khía cạnh quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân. PGS, TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa, Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cho rằng: Xây dựng văn hóa công nhân là kiến tạo các khía cạnh của đời sống văn hóa của công nhân như văn hóa tinh thần, tiếp nhận các quy tắc chung của doanh nghiệp; từ đó, tương tác, thực hành và kiến tạo nên chính văn hóa của công nhân, văn hóa của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lê Cao Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế hiện nay cũng là rào cản hình thành nền văn hóa lao động văn minh và hiện đại. Đó là trình độ học vấn và kỹ năng nghề của một bộ phận công nhân còn hạn chế, ý thức văn hóa và trách nhiệm nghề nghiệp chưa đồng đều; thu nhập thấp, điều kiện sống thiếu thốn, thiếu phúc lợi xã hội, thiếu sự quan tâm, tạo điều kiện của doanh nghiệp, tổ chức công đoàn khiến nhiều công nhân không có đủ thời gian, năng lượng hoặc động lực để tham gia vào các hoạt động văn hóa tại nơi làm việc. Những vấn đề nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của công nhân mà còn tạo ra sự thiếu gắn kết trong môi trường làm việc.

Do vậy, cần tăng cường giáo dục và đào tạo về văn hóa công nhân thông qua các chương trình đào tạo, trong đó tập trung kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và các giá trị văn hóa công nhân khác. Các chương trình đào tạo này phải được thiết kế phù hợp với từng nhóm công nhân theo đặc thù ngành nghề, đối tượng lao động, nhất là công nhân trong các ngành công nghiệp truyền thống, nơi trình độ chuyên môn còn hạn chế. Ngoài ra, cần xây dựng các khóa học về giáo dục công dân và trách nhiệm nghề nghiệp, giúp công nhân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của mình trong cộng đồng lao động, trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Quá trình xây dựng văn hóa công nhân còn phụ thuộc vào khả năng nhận thức, năng lực tổ chức, điều hành của nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Do vậy, chủ doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong xây dựng, nâng cao văn hóa doanh nghiệp nói chung, văn hóa công nhân lao động nói riêng.

Để xây dựng văn hóa công nhân, trọng tâm là nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật vừa là biện pháp đột phá, vừa là nội dung trọng tâm để có thể đáp ứng được yêu cầu của kỷ nguyên mới.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công đoàn đề xuất: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc người sử dụng lao động đề cao trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân; xây dựng chính sách khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng, tạo động lực cho công nhân lao động học tập suốt đời, phát huy khả năng, thế mạnh của mình. Tăng ngân sách nhà nước với các nội dung chi trực tiếp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tổ chức cho công nhân học tập kiến thức, nâng cao tay nghề, hỗ trợ cho công nhân trẻ có ý thức nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề, học văn hóa… Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện chương trình, đề án liên quan đến học tập suốt đời, nâng cao trình độ chuyên môn của công nhân lao động.

Trách nhiệm đối với đoàn viên, người lao động

Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đề ra 7 nhiệm vụ, phần lớn là mục tiêu nhằm xây dựng đội ngũ công nhân có giá trị như bản lĩnh, tự hào giai cấp, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho công nhân; từng bước xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam nhằm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng lao động trong quá trình hội nhập. Đây được cho là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động của công đoàn các cấp nhằm hướng tới xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời đại mới với đầy đủ chất và lượng và cũng là kim chỉ nam cho việc xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành một số đề án tuyên truyền, vận động và có biện pháp hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật cho công nhân, như: đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, lao động đến năm 2023; đề án tuyên truyền, vận động công nhân trên mạng xã hội; chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021-2026 đề xuất cơ chế hỗ trợ công nhân, lao động trong doanh nghiệp học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hoạt động thể dục, thể thao của công chức, viên chức, công nhân, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026.

Công đoàn các cấp cũng đã tích cực ứng dụng công nghệ số, internet và sử dụng mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến pháp luật, truyền tải thông tin và tăng cường tương tác, chia sẻ tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên, tổ chức công đoàn; hình thành các chương trình hoạt động, đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức lan tỏa lớn trong công nhân, viên chức, người lao động.

Việc tăng cường hoạt động của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp hết sức cần thiết nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần đoàn kết trong công nhân. Với vai trò là cầu nối giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, các phong trào thi đua lao động, học tập và sáng tạo, sáng kiến, tổ chức các giải thể thao, các hoạt động văn hóa của tổ chức công đoàn cũng tạo nên chất keo gắn kết công nhân với doanh nghiệp và tập thể công nhân với nhau, tạo nên môi trường đoàn kết, tích cực tại nơi làm việc.

Công đoàn cơ sở chung tay cùng doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của công nhân; xây dựng các mô hình văn hóa doanh nghiệp đặc thù. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp công nhân dễ dàng thích nghi và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và đội ngũ lao động.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 9/1/2025.