Nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, một bộ phận đồng bào trước đây chưa có điều kiện tham gia học tập, cho nên tỷ lệ mù chữ còn cao. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học chữ.
0:00 / 0:00
0:00
Một giờ học ở lớp xóa mù chữ tại điểm trường Sáo Sào, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).
Một giờ học ở lớp xóa mù chữ tại điểm trường Sáo Sào, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).

Từ trung tâm xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) đến điểm trường Sáo Sào hơn 10 km. Đường tới trường vẫn là đường đất, nhiều đoạn dốc hẹp, ổ voi, ổ gà, nếu không quen địa hình, chắc tay lái thì việc đến đây khá khó khăn.

Theo thầy Chu Thanh Tú, giáo viên dạy tại lớp xóa mù chữ ở Sáo Sào, trời khô ráo, đi xe máy mất khoảng 30 phút, còn hôm mưa đi sẽ lâu hơn. Nhưng điều này không ngăn được bước chân của những giáo viên nhiệt huyết ngày đêm mang con chữ đến với đồng bào.

Điểm trường Sáo Sào nằm trên triền đồi cao gồm hai lớp ghép. Ban ngày là giờ học chính của học sinh tiểu học, chiều tối trở đi là thời gian học của lớp xóa mù chữ.

Lớp học bắt đầu lúc hơn 16 giờ và kết thúc vào 19 giờ, có 18 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông ở nhiều độ tuổi khác nhau, người ít nhất 30 tuổi và lớn nhất là 54 tuổi. Có học viên phải đi bộ tới 6 km, nhưng vì cái chữ, hằng ngày họ vẫn đều đặn đến lớp, thậm chí mang theo cơm để đến lớp ăn.

Theo thầy giáo Hoàng Văn Vĩnh, giáo viên dạy Toán, lần đầu tiếp xúc với cái chữ, con số, các anh, chị học viên rất hào hứng, chú tâm lắng nghe. Có người tiếng phổ thông còn hạn chế, cho nên việc truyền dạy mất khá nhiều thời gian. Giáo viên phải nhờ đến người phiên dịch, sử dụng đồ dùng trực quan cho dễ hiểu. Sau vài tháng, các anh, chị cơ bản biết đọc, biết viết, cộng trừ các phép tính đơn giản.

Bà Đào Thị Thàng, 54 tuổi, học viên lớn tuổi nhất ở lớp cho hay: “Tôi đi học thấy vui lắm, vì biết cái chữ, biết tính toán mà không phải phụ thuộc người khác, tôi rất biết ơn các thầy, cô giáo, Đảng và Nhà nước”. Chung niềm vui biết chữ, chị Linh Thị Súng chia sẻ: “Mình đã biết soạn tin nhắn trên điện thoại, không phải nhờ đến các con. Biết cộng, trừ, nhân, chia nên thấy vui lắm, rất cảm ơn các thầy, cô giáo”.

Vào cuối năm 2022, Bắc Kạn còn hơn 10.300 người, chiếm 4,48% dân số còn mù chữ. Năm 2023, ở khắp các huyện của Bắc Kạn đã mở lớp học xóa mù chữ. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Đồn, Hứa Hoàng Anh, năm 2022, huyện đã mở được tám lớp xóa mù chữ cho 128 học viên. Năm 2023, huyện tiếp tục mở thêm sáu lớp cho 165 học viên ở năm xã vùng cao. Nhờ đó, đến nay, Chợ Đồn đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Hằng năm, Bắc Kạn chỉ đạo các đơn vị cấp huyện nghiêm túc điều tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, trong đó quan tâm điều tra, rà soát số người mù chữ, tái mù chữ. Các hoạt động điều tra thường diễn ra mỗi năm một lần vào tháng 8, tháng 9; chủ yếu do các giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện, có sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ thôn/tổ.

Bắc Kạn tích cực triển khai nội dung xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch, trong hai năm (2022-2023), các địa phương trong tỉnh được giao hơn 430 triệu đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết chữ.

Đến nay, tỉnh đã tổ chức được hơn 30 lớp, thu hút gần 860 học viên tham gia. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cấp tỉnh cho hơn 80 lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học, nhất là giáo viên dạy xóa mù chữ ở các địa phương. Học viên của những lớp học xóa mù chữ này là người dân tộc thiểu số mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết về việc chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ. Theo đó, người dân tham gia học xóa mù chữ sẽ được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/người/giai đoạn học tập. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn, Chương trình xóa mù chữ đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Người dân biết đọc, biết viết, biết tính toán, có thể tự biết được thông tin từ những văn bản liên quan như giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, thông tin trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận gia đình văn hóa hay giấy chứng nhận hộ nghèo, những văn bản triển khai của các cơ quan nhà nước; tự mình viết được những lá đơn, ký tên...

Từ khi tỉnh có Nghị quyết hỗ trợ, việc vận động, duy trì số lượng học viên các lớp cũng thuận lợi hơn. Tỉnh củng cố, duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với Bắc Kạn là tình trạng duy trì một số lớp học vẫn còn gian nan, một số học viên không tham gia lớp học thường xuyên. Tài liệu giảng dạy cho giáo viên, học viên chưa có, gây khó khăn cho giáo viên...

Để khắc phục những khó khăn này, Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương, ngành giáo dục đưa chỉ tiêu xóa mù chữ vào nhiệm vụ kinh tế-xã hội; rà soát thống kê đầy đủ đối tượng mù chữ để có kế hoạch mở các lớp bảo đảm phù hợp, hiệu quả; phát huy vai trò của trung tâm học tập cộng đồng trong việc xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập.

Tỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm phát hành bộ tài liệu về dạy học xóa mù chữ cho giáo viên, học viên; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nhất là tập huấn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% số người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông và tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.