Xóa đói, giảm nghèo, điểm sáng của sự nghiệp đổi mới đất nước

Trong một thời gian không dài, từ một cuộc vận động, nhờ tính thiết thực và hiệu quả, “Xoá đói giảm nghèo” đã trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia, đem lại không những cuộc sống mà cả niềm tin đến với người nghèo. Báo cáo phát triển của Liên hợp quốc ghi nhận: "Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế".

Khởi đầu từ TP Hồ Chí Minh

Chúng tôi còn nhớ, vào thời điểm tháng 9-1992, khi cuộc vận động Xoá đói giảm nghèo (XÐGN) vừa được khởi động từ TP Hồ Chí Minh được năm tháng, chúng tôi đã về một số xã ở Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè... đến các gia đình nghèo tìm hiểu việc XÐGN được thực hiện ở đây như thế nào?

Thời điểm bắt đầu cuộc vận động XÐGN ấy, các hộ nghèo được vay vốn không lãi, và khoản vay cũng không nhiều, đủ vốn để làm những việc không lớn nhưng lại rất thiết thân như làm bánh tráng, đan cần xé, làm chổi quét, hoặc nuôi đàn gà, vài con lợn, con bò... làm sao để từ những hoạt động kể trên, hộ nghèo có một chút thu nhập, bảo đảm được cuộc sống ở mức tối thiểu ở gia đình.

Thiết thực và hiệu quả

Từ năm 1992, khi có cuộc vận động XÐGN được thực hiện trong cả nước, thời kỳ đầu, cách XÐGN rất đơn giản: Nhà nước và cộng đồng xã hội trợ giúp một phần vốn, các đoàn thể xã hội ở nông thôn như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... cùng các gia đình hàng xóm liền kề, biết cách làm ăn đã trực tiếp giúp hộ nghèo trong ngõ xóm kinh nghiệm làm ăn, công lao động...

Lần hồi, các gia đình nghèo cũng học được cái hay trong làm ăn, kinh doanh của những hộ có đời sống khá hơn, từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống của mình.

Nhờ XÐGN, tỷ lệ nghèo đói của cả nước giảm dần từ hơn 32% năm 1992 xuống còn 25% năm 1996, 15,6% năm 1998 và 10% vào năm 2000. Tiêu chí xác định hộ nghèo được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo lại tăng, nhưng đến cuối năm 2005, chỉ còn 7%, xóa đói, giảm nghèo đã về đích trước một năm so với mục tiêu Ðại hội IX của Ðảng đề ra, đồng thời giảm thêm 3% so với mục tiêu đề ra là 10% vào cuối năm 2005.

Bình quân cả nước mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo với khoảng 300 nghìn hộ, đã không còn hộ đói. Trong nền kinh tế thị trường, XÐGN đã hạn chế sự phân cực giàu - nghèo trong xã hội, không làm cho giãn cách giàu - nghèo ngày một xa hơn.

XÐGN đã góp phần làm lành mạnh và ổn định xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước theo hướng CNH, HÐH.

Năm 1998 là bước ngoặt quan trọng của XÐGN. Thấy rõ tính thiết thực và hiệu quả của XÐGN, từ nhu cầu bức xúc của cuộc sống, từ thực tế cuộc vận động XÐGN, thấy cần thiết phải xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về XÐGN song hành với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế cân bằng và ổn định cho đất nước, Ðảng và Nhà nước ta bắt đầu đầu tư lớn cho sự nghiệp XÐGN, có kế hoạch, có mục tiêu quốc gia, và quan trọng hơn, XÐGN là xương sống và chỗ dựa quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh sự trợ giúp hộ nghèo về vốn, cách làm ăn ở thời kỳ đầu, cách giúp hộ nghèo khi ra đời Chương trình XÐGN đã thay đổi hẳn về chất: Người nghèo không những được vay vốn, được phổ biến kiến thức làm ăn, còn được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản như học hành, chăm sóc sức khỏe, đi lại, nước sạch, giúp xây dựng nhà ở, hưởng thụ văn hóa...

Việc xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, trạm y tế, điện, đường, chợ... đã trực tiếp cải thiện cách làm ăn và cuộc sống của người nghèo.

Với lợi thế ấy, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh trong vòng năm năm (2001 - 2005) từ 17,2% năm 2001 (2,8 triệu hộ) xuống còn 8,3% năm 2004 (1,44 triệu hộ), bình quân mỗi năm giảm được 340 nghìn hộ; đến cuối năm 2005, cả nước còn khoảng 1,1 triệu hộ nghèo (dưới 7%).

Bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ cho phát triển sản xuất hàng hóa. Chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nghèo được cải thiện đáng kể, nhất là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi và phụ nữ.

Thu nhập bình quân của 20% nhóm nghèo nhất năm 2001 đạt 107 nghìn đồng/người/tháng và tăng 1,45 lần vào năm 2005. Chi tiêu bình quân của 20% nhóm nghèo nhất năm 2001 là 121 nghìn đồng/người/tháng và tăng từ 8-9% năm trong giai đoạn 2002 - 2005.

Ðến cuối năm 2005, cả nước đã làm mới và sửa chữa 350 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo, trị giá hàng chục tỷ đồng. Ðiều quan trọng là, qua XÐGN, người nghèo đã không còn nghèo nữa, bắt đầu có tích lũy, có kinh nghiệm làm ăn, đó là điều kiện quan trọng để từng bước đủ ăn và vươn lên làm giàu.

Theo thống kê, có 75% số hộ nghèo được vay vốn hàng chục tỷ đồng từ nhiều nguồn, hỗ trợ hàng nghìn ha đất cho người nghèo có đất sản xuất, hàng triệu hộ được hướng dẫn cách làm ăn, được khuyến nông và chuyển giao công nghệ, hơn 25 nghìn công trình hạ tầng đã được xây dựng, trị giá 10 nghìn tỷ đồng...

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình người, hộ, nhóm hộ, xã và vùng làm ăn giỏi và thành đạt trong XÐGN.

Tuy vẫn còn một số hạn chế và bất cập, nhưng XÐGN thật sự là điểm sáng trong công cuộc đổi mới đất nước, là niềm tin và chỗ dựa của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng.

Công bằng và bền vững hơn

Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, được nhân dân trong nước đồng tình, và dư luận quốc tế đánh giá cao, nhưng XÐGN vẫn chưa thật sự bền vững, khoảng cách giàu nghèo vẫn rộng và có xu hướng gia tăng, cho nên Chương trình quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 cần hướng tới thiết thực, hiệu quả, công bằng và bền vững hơn.

Tiêu chí nghèo giai đoạn này lại được nâng cao, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 7% cuối năm 2005 lên 22% (khoảng 4,5 triệu hộ) vào đầu năm 2006, mức phấn đấu đến cuối năm 2010 giảm còn 11% (trong năm năm giảm 50% số hộ nghèo).

Trong một tham luận gửi Hội thảo "Xóa đói, giảm nghèo theo hướng phát triển bền vững" được tổ chức gần đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng: "Bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo. Tập trung giúp cho địa phương nghèo phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa, cơ cấu lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp. Tạo thêm nhiều việc làm ở thành thị và nông thôn, duy trì  sự phát triển đồng bộ đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc giảm tỷ lệ nghèo đói nghiêm trọng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đòi hỏi việc cam kết thực hiện đầu tư một cách mạnh mẽ, liên tục của Nhà nước, địa phương và sự vươn lên của chính người nghèo ở những nơi này.

Ðẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương nghèo, nhất là hệ thống giao thông, điện, trường học, bệnh viện và các thiết chế văn hóa.

Bảo đảm cho người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là về giáo dục, chăm sóc y tế và kế hoạch hóa gia đình có tầm quan trọng đặc biệt. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta hiện nay đòi hỏi không chỉ là trách nhiệm, sự quan tâm và giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước, sự cố gắng của bản thân người nghèo, hộ nghèo, vùng (vệt), tỉnh nghèo mà còn đòi hỏi sự giúp đỡ của cả cộng đồng xã hội về vật chất, tinh thần.

Ðó là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả giảm nghèo theo hướng phát triển bền vững.

Ðộng viên cộng đồng người nghèo phát huy nội lực, tự vươn lên thoát  khỏi  nghèo đói, kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước và các cộng đồng khác thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực để xóa đói giảm nghèo, phát huy nội lực là chính, kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế để đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.

 Có chính sách, cơ chế khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thích hợp đến các xã nghèo, người nghèo để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo.

Trong thời gian tới, công tác xóa đói, giảm nghèo cần tập trung vào địa bàn khó khăn nhất (các xã đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng, vùng cao biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) và ưu tiên đối tượng là phụ nữ và trẻ em nghèo".