Xét xử trực tuyến, xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0

NDO -

Sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia, thực thi công lý trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại kỹ thuật số đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của Tòa án.

Quang cảnh phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Toà án Nhân dân tối cao về tổ chức phiên toà trực tuyến. Ảnh: Duy Linh
Quang cảnh phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Toà án Nhân dân tối cao về tổ chức phiên toà trực tuyến. Ảnh: Duy Linh

Trên thế giới, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển và nền tư pháp tiến bộ (như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore…) chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp.

Tại Việt Nam, các đạo luật về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thời gian qua, một số tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, tham nhũng, một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

Xét xử trực tuyến, xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0 -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp. (Ảnh: Duy Linh) 

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ảnh hưởng hoạt động xét xử của Tòa án. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tác phòng chống dịch bệnh an toàn.

Từ những lý do trên, tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 21/9, đa số các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng Tòa án thông minh.

Báo cáo thẩm tra về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho thấy còn có hai loại ý kiến. Đa số tán thành với Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thống nhất về chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến, Giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, nội dung cho phép Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021).

Xét xử trực tuyến, xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0 -0
Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần làm rõ, thống nhất đồng bộ việc xét xử trực tuyến và xét xử trực tiếp khác nhau như thế nào? Xét xử trực tuyến có phải là một hình thức của xét xử trực tiếp có hỗ trợ của công nghệ thông tin hay không? Một số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết giải thích pháp lý về hình thức xét xử trực tuyến theo thẩm quyền.

Một số ý kiến giải trình, làm rõ của một số cơ quan chức năng cho rằng, phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm. Phiên tòa trực tuyến cũng tuân thủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của bị cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến, đa số các ý kiến cho rằng, việc xét xử trực tuyến chỉ nên tổ chức xét xử các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh, liên quan đến các vụ án hành chính, dân sự, còn các vụ án hình sự thì cần xem xét kỹ lưỡng do liên quan đến các quy định về luật pháp cũng như quyền công dân. Các ý kiến cũng cho rằng chỉ áp dụng hình thức xét xử trực tuyến trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.

Xét xử trực tuyến, xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0 -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc đưa hình thức xét xử trực tuyến vào các phiên toà là chủ trương đúng, cần thiết, tuy nhiên cần hết sức thận trọng vì liên quan hiến pháp và quyền công dân. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đề xuất của một số đại biểu, các cơ quan có liên quan về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết giải thích về xét xử trực tuyến để Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan xây dựng Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến là chưa ổn. Do đó, Chủ tịch Vương Đình Huệ yêu cầu Đảng đoàn, Ban Cán sự Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện văn bản báo cáo lại Bộ Chính trị cho chủ trương, sau đó trình ra kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, từ nay đến trước kỳ họp Quốc hội không còn nhiều thời gian, Tòa án cần tổ chức điểm một vài vụ án xét xử bằng hình thức trực tuyến, dựa vào chất lượng xét xử, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần xin ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan tố tụng, hội luật sư, chuyên gia pháp lý trước khi hoàn thiện văn bản báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trường về vấn đề này.