Xem xét chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

NDO -

Tiếp tục chương trình tại Phiên họp thứ 6, chiều 9/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Quang cảnh phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: DUY LINH)

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình của Chính phủ về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận về nội dung này.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP Quý 3/2021 của nước ta giảm sâu chưa từng có (-6,17%), lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. 

Trước bối cảnh đó, Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 đã xác định, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội là vấn đề rất cấp bách. Thực tế, trước đây, Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung, vấn đề theo Nghị quyết số 30/2021/QH15. Còn lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về chương trình tổng thể, nằm ngoài khung khổ của các kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, như kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vay và trả nợ công trung hạn… 

Xem xét chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung này nhằm tìm kiếm dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ nằm ngoài các khung khổ 5 năm, hằng năm đã có.

Đây là những vấn đề quan trọng và hết sức hệ trọng, sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến cụ thể trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này, các cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường sắp tới.

Ngày mai (10/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc.