Xem “Kính vạn hoa”: Nói, nghĩ và nhìn như trẻ thơ

Xem “Kính vạn hoa”: Nói, nghĩ và nhìn như trẻ thơ

Dưới mắt nhìn tuổi học trò

“Chú Minh Chung ơi, dù bộ phim còn kéo dài bao lâu nữa, con cũng đợi chú ơi!” - bé Bình Minh, học sinh Trường tiểu học Hòa Bình, cất tiếng trong vắt làm mọi người trong khán phòng (Cung văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh, trong chương trình gặp gỡ đoàn làm phim “Kính vạn hoa” chiều 5-6) ngẩn người. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung cũng lặng đi vì bất ngờ. Có lẽ lời nói đó của trẻ thơ đem lại sự ca ngợi đẹp nhất, ấn tượng nhất, cảm động nhất dành cho đạo diễn cùng đoàn làm phim.

Buổi giao lưu “Đồng hành với phim truyền hình” kể trên dành ra hai tập chiếu giới thiệu (tập 3 “Bắt đền cánh diều”, tập 10 “Gia sư”).

Một cảnh trong phim “Kính vạn hoa”.

Xem, để hòa mình vào những trò “uýnh lộn” của đám trẻ nhằm giải quyết những sự cố đụng chạm tự ái lẫn nhau. Đánh đấm túi bụi nhưng không chút gì màu sắc bạo lực, mà chỉ như một sự tất nhiên của đám con trai trên chặng đường định hình tâm lý, cá tính; đánh đấm mà... dễ thương, cao thượng khi anh chàng Long (Vũ Long đóng) giỏi võ nhất mực chịu thua vì sợ đối phương mất mặt nếu Long thật sự tung chiêu...

Xem, để lác mắt và tủm tỉm cười “bái phục” trước trò đùa của bé Quỳnh Dao (Thu Ngân) nhằm trêu tức “thầy giáo mặt búng ra sữa” là Quý ròm (Ngọc Trai) phải đi hái trộm xoài cho trò, và có dè đâu bé Quỳnh Dao có cái tật hay làm mất học cụ là vì... bé đem cho các bạn nghèo trong lớp.

Hãy nghe thêm phát biểu của em Trọng Khôi, lớp 6 Trường Ngô Tất Tố, hôm xem giao lưu đoàn phim: “Em thích cảnh mấy bạn trong phim chia phe đánh nhau từa lưa. Thiệt là vui. Anh Long làm em phục ảnh biết nhường nhịn, thiệt hay”.

Những cảm xúc đan xen, ngồ ngộ của khán giả thiếu nhi như thế trở thành “thước đo” dễ chịu cho bộ phim.

“Kính vạn hoa” còn được nhìn ra sao, từ chính dàn diễn viên vào cuộc chơi trong thế giới của chính các em? Ngọc Trai nói: “Em thích cái tính hay lý sự, hay “nổ” và nhát gan của Quý. Ở trường học, em cũng... hơi nổ giống Quý”.

Trong khi đó Anh Đào tự nhận xét: “Hiện nay em vừa đi học lớp 10 ở Trường Ngô Gia Tự vừa đi học tại Trường Múa TP. Em thích cái tính chịu học của bạn Hạnh trong phim, nhưng mà em không nhiều chuyện như Hạnh đâu”.

Vũ Long - từng nổi danh như cồn từ lúc còn nhỏ xíu ở đội kịch Tuổi Ngọc, nay đã vừa học xong lớp 11 - cho biết: “Em rất mê tính nghĩa hiệp của Tiểu Long trong phim, có bữa đóng xong vai mà em bần thần, phải chi được đóng hoài”.

Bộ ba nhân vật chính Long, Quý, Hạnh của Kính vạn hoa nghĩ sao nói vậy, nhân vật trong phim được các em nói đến, ngỡ như đang hiện ra bằng xương bằng thịt, trở thành người thân quen từ hồi nào!

Có một người trẻ… 49 tuổi

Đạo diễn Nguyễn Minh Chung tại cuộc gặp gỡ.

Đó là đạo diễn Nguyễn Minh Chung. Anh tâm tình: “Tôi chọn “Kính vạn hoa” đưa lên phim vì tác giả Nguyễn Nhật Ánh giữ được sự hồn nhiên đúng chất tuổi thơ, đưa ra những vấn đề của chính tuổi thơ, cách suy nghĩ và cách giải quyết của chính tuổi thơ. Nói cách khác, đó là cách nhìn của tuổi thơ. Trước đây và ngay cả hiện nay, có không ít tác phẩm người lớn chúng ta thường áp đặt cách giải quyết của mình lên trẻ con, khiến cho xác thì trẻ con nhưng hồn thì già háp. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: phải cho phép trẻ thơ được quyền phát biểu theo cách nói của chúng, theo cách nhìn của chúng”.

Từ 45 tập trong bộ truyện “Kính vạn hoa”, đạo diễn chọn ra và dàn dựng thành 20 tập phim (60 phút/tập); mười tập đầu chiếu trong mùa hè này, còn mười tập nữa sẽ bấm máy quay vào ngày 20-6 tới đây (dành để chiếu vào mùa hè năm sau).

Ngay lúc này đạo diễn lên đường đi Bảo Lộc để “truy tìm, chiêu mộ” diễn viên nhí người dân tộc thiểu số đưa vào phim. Nhiều trẻ ngoài đời rất sinh động nhưng khi hiện hình trong một số phim trước đây bỗng hóa cứng nhắc, ăn nói mất tự nhiên. Cách nào, để hồi phục sự chân thật?

“Bí quyết để làm phim thiếu nhi, theo tôi, là… đừng cho đám trẻ nghĩ rằng mình đang diễn xuất trước ống kính, hãy quên đi, quên đi. Hãy biến cuộc đóng phim thành trò chơi, với những tình huống sự kiện giông giống với kịch bản. Các em phải được sống thoải mái với chính con người của chúng”.

Tuổi trẻ