Hiện, tình trạng ùn ứ xe chở hàng hóa trong đó có hàng trăm xe container chở thanh long của Bình Thuận nằm chờ thông quan đã hàng chục ngày ở khu vực biên giới phía bắc.
Chi phí tăng cao
Ông Trần Văn Tân, chủ một cơ sở thu mua thanh long ở xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, ông có 13 xe container chở thanh long xuất qua Trung Quốc đã bị kẹt tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) gần 20 ngày nay, vẫn chưa biết bao giờ mới có thể qua được bên Trung Quốc để giao hàng. Mỗi xe container chở khoảng 21 tấn thanh long.
Hiện, ông Tân phải chi khoảng 2 triệu đồng/xe/ngày cho việc nằm chờ thông quan, bao gồm: Tiền ăn, sinh hoạt cho lái xe khoảng 500 nghìn đồng/ngày/xe; tiền bến bãi 400 nghìn đồng/xe/ngày; tiền dầu chạy máy lạnh bảo quản hàng hóa khoảng 700 nghìn đồng/ngày/xe.
Tổng chi phí cho 13 xe chở thanh long của ông Tân bị kẹt tại đây lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, do bị ách lâu ngày, chất lượng hàng hóa cũng giảm, hư hao khoảng từ 30-35%, tương ứng khoảng 7 tấn thanh long phải loại bỏ.
Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận xuất hàng qua cửa khẩu biên giới phía bắc trong thời gian gần đây.
Ông Huỳnh Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trà ở huyện Hàm Thuận Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp Hội thanh long Bình Thuận, cho biết, theo ước tính chưa đầy đủ, hiện có khoảng 500 xe container chở thanh long của Bình Thuận bị kẹt ở các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Riêng doanh nghiệp của ông xuất khẩu thanh long qua Trung Quốc đi bằng đường biển, trước đây thời gian vận chuyển có lâu hơn so với bằng đường bộ, nhưng so với hiện tại thì lại nhanh hơn. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, nên việc lưu thông hàng hóa bằng tàu biển cũng rất bị động.
Ông Cảnh cho biết thêm, giá thu mua thanh long tại Bình Thuận hiện khá cao, dao động từ 17 đến 19 nghìn đồng/kg do thị Trung Quốc đang khan hàng, nhưng thanh long lại bị ùn ứ ở cửa khẩu, thông quan rất chậm.
Việc vận chuyển bằng đường hàng không rất hạn chế; còn vận chuyển bằng đường tàu biển thường xuyên bị chậm trễ, hàng bị hỏng và chi phí tăng quá cao, rủi ro rất lớn nên các doanh nghiệp gần như không chọn và chỉ tập trung đi đường bộ nên hàng ùn ứ ở cửa khẩu rất lớn.
Lượng xe ùn ứ tăng hàng ngày
Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, từ đầu tháng 12 đến nay, tình hình ùn ứ, ách tắc khối lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu nhưng lượng hàng vẫn tiếp tục được dồn lên các cửa khẩu rất nhiều.
Hiện, tất cả các khu vực bến bãi đã quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm (gồm cả khu vực tạm sử dụng). Tổng lượng xe nằm tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 17/12 là 4.758 xe, tăng hơn 200 xe so với ngày 16/12.
Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với năng lực thông quan 150-200 xe/ngày, hiện đang ùn ứ 1.354 xe container chở nông sản chủ yếu là mít, thanh long…
Tại cửa khẩu chính Chi Ma đang tồn gần 700 xe. Từ ngày 8/12, phía Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm do phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 tại trấn Ái Điểm (Trung Quốc).
Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) đã gửi thư công tác đề nghị chính quyền huyện Ninh Minh (Trung Quốc) khôi phục lại cặp cửa khẩu này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Còn tại cửa khẩu Tân Thanh với năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 180-200 xe/ngày đang tồn hơn 2.700 xe, trong đó bãi xe Bảo Nguyên tồn hơn 1.000 xe; tại các bãi xe khu phi thuế quan, ngã 3 đường Khả Phong và bãi Cốc Nam tồn hơn 1.700 xe.
Mặt hàng tồn chủ yếu là dưa hấu từ tỉnh Quảng Ngãi; thanh long tỉnh Bình Thuận; chuối xanh tỉnh Tiền Giang; mít tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang; xoài tỉnh Bình Định.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết, trong tháng 11 và 12/2021, thanh long Bình Thuận đang vào thời kỳ chong đèn sản xuất và chăm sóc thanh long nghịch vụ phục vụ lứa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Giá thu mua thanh long trung bình hàng loại 1 khoảng 17.000 – 19.000đ/kg nên người trồng thanh long rất phấn khởi. Ước sản lượng thu hoạch từ nay đến cuối năm 2021 của toàn tỉnh khoảng 60.000 tấn.
Các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh thu mua hàng để kịp xuất hàng qua Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán. Với tình hình sản xuất và thu hoạch thanh long như vậy khả năng lượng thanh long sẽ tiếp tục được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía bắc là rất lớn.
Để bảo đảm hoạt động xuất khẩu thanh long tỉnh Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, Sở Công thương Bình Thuận đã có Công văn đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh, UBND các địa phương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội thanh long Bình Thuận thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời, có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển hàng hoá lên các cửa khẩu hợp lý.
Sở NN-PTNT tỉnh tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ trong thời gian tới, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.