Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Hữu Độ, cả nước hiện có hơn 17.000 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; hơn 10.000 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống, thu hút 8,4 triệu học viên tham gia học tập. Số cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ, đã hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hóa.
Trong bốn mục tiêu chính, Đề án đã đạt được hai mục tiêu lớn là “Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”. Theo đó, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 đến 60 là 97,85%; trong đó, số người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 35 chiếm tỷ lệ 99,3%. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống tăng nhanh theo từng năm. Số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ 64,6%.
Điển hình như tại Hà Nội, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 99,97%, trong khi cả nước đạt 97,85%; số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 100% (cả nước đạt 93,89%)… Tuy nhiên, các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú và điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn cho nên chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Số người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Số người mù chữ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn cao; tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ còn thấp, hiện tượng tái mù chữ còn khá lớn và tập trung chủ yếu ở độ tuổi 36 đến 60.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, GS, TS Phạm Tất Dong cho biết, để thực hiện hiệu quả hơn, cần có sự bắt tay của trường đại học và doanh nghiệp, mở khóa đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, nguồn nhân lực của chính doanh nghiệp. Theo Vụ trưởng GD và ĐT Dạy nghề, Ban Tuyên giáo T.Ư, TS Nguyễn Đắc Hưng, khi ban hành đề án xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021 - 2030, nếu không đặt nặng trong bối cảnh chuyển đổi số mà tiếp tục như giai đoạn trước là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thì rất vất vả mới có thể thành công và theo kịp sự phát triển của thời đại mới. Xã hội học tập phải hướng tới mục tiêu tạo ra các công dân số với đầy đủ năng lực, kỹ năng số; huy động trí tuệ và sự đóng góp từ nguồn xã hội hóa để phát triển chuyển đổi số trong GD-ĐT.
Bộ trưởng GD và ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, việc xây dựng xã hội học tập sẽ chú trọng trang bị cho mỗi người dân có kỹ năng học tập, kỹ năng nền tảng để giải quyết vấn đề, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng; phát triển xã hội hiếu học - một xã hội biết tạo ra các nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng để thỏa mãn nhu cầu đó. Các cơ sở giáo dục đóng vai trò nòng cốt, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội học tập. Bộ GD và ĐT sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đồng thời, chọn một số việc ưu tiên, tập trung làm tốt, như: xóa mù chữ; phát triển hệ thống đào tạo từ xa; tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học; gia tăng nguồn tài nguyên, dữ liệu số phục vụ việc học tập thường xuyên.