Xây dựng vùng miền núi Quảng Ngãi ngày càng phát triển

NDO - Sáng 19/10, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có buổi đối thoại với 100 đại biểu là bí thư, trưởng thôn và người có uy tín ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số để lắng nghe ý kiến trao đổi từ thực tiễn địa phương, qua đó đề ra định hướng xây dựng và phát triển vùng miền núi của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi đối thoại.
Quang cảnh buổi đối thoại.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng; có 187 nghìn người đồng bào dân tộc H’re, Ca Dong và Cor, chiếm 15,18% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp…

Nhiều trăn trở ở vùng miền núi

Trong không khí dân chủ, sôi nổi, các đại biểu thẳng thắn bày tỏ tâm tư nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi; vấn đề giảm nghèo bền vững, tài nguyên môi trường; văn hóa xã hội; chế độ chính sách và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Ông Phạm Viết Nho, người có uy tín huyện miền núi Ba Tơ bày tỏ vui mừng về sự đổi thay vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh. Được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và Trung ương, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng khang trang, việc đi lại của người dân thuận lợi, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, cơ bản giảm được tình trạng đói nghèo; hàng trăm hộ đồng bào được hỗ trợ xóa nhà tạm. Con em đồng bào ngày càng có điều kiện được học tập, điều kiện chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn. Các giá trị văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy.

Xây dựng vùng miền núi Quảng Ngãi ngày càng phát triển ảnh 1
Ông Phạm Viết Nho, người có uy tín huyện miền núi Ba Tơ nêu kiến nghị tại cuộc đối thoại.

Tuy nhiên, hiện người dân miền núi quan tâm trồng cây gì nuôi con gì để vươn lên thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững; việc thực hiện chính sách đầu tư trồng rừng gỗ lớn, trồng cây gỗ quý, hiếm chưa hiệu quả.

Ông Đinh Như Tro, người có uy tín ở huyện vùng cao Sơn Tây kiến nghị, tỉnh cần nghiên cứu phát triển sản xuất theo mô hình tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi; điều chỉnh phương thức đầu tư cây, con giống nhằm giảm tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Đồng thời, cần tăng cường nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là những xã đặc biệt khó khăn; đẩy nhanh việc phân bổ ngân sách về cấp huyện để thực hiện các dự án đầu tư vì trong những năm qua nguồn ngân sách đầu tư về các huyện miền núi thường rất chậm.

Đề cập đến công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bà Đinh Thị Biểu, người có uy tín ở huyện miền núi Minh Long nêu lên thực trạng, hiện nay, rất ít người dân tộc thiểu số được trở thành công chức, viên chức và cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là ở cấp huyện, tỉnh. Từ thực tiễn này, bà Đinh Thị Biểu kiến nghị tỉnh cần có giải pháp mang tính đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan của hệ thống chính trị ở cấp huyện và tỉnh.

Tỉnh cần có giải pháp mang tính đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan của hệ thống chính trị ở cấp huyện và tỉnh.

Bà Đinh Thị Biểu

Với tinh thần tâm huyết và trách nhiệm, đại diện bí thư, trưởng thôn và người có uy tín ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số tham dự cuộc đối thoại còn nêu lên nhiều vấn đề bức xúc tại địa phương như: tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; cơ sở vật chất ở một số trạm y tế xã xuống cấp chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân ở các xã khu miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; chính sách miễn, giảm, hỗ trợ sinh viên là con em người dân tộc thiểu số; phụ cấp của những người công tác không chuyên trách ở thôn (bí thư chi bộ, trưởng thôn) quá thấp, không bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ...

Xây dựng vùng miền núi Quảng Ngãi ngày càng phát triển ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân thăm hỏi đời sống bà con vùng miền núi.

Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên và đại diện các sở, ban, ngành trực tiếp trao đổi, trả lời, hướng dẫn, giải thích thấu đáo những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Nâng cao đời sống, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, những vấn đề được nêu ra trong buổi đối thoại là hoàn toàn xác đáng, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong cuộc sống tại các huyện vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

“Với trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy, tôi xin tiếp thu đầy đủ và đồng cảm, chia sẻ với tất cả những tâm tư, nguyện vọng của đại diện bí thư, trưởng thôn và người có uy tín ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân bày tỏ.

Đồng chí lưu ý một số vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân tộc; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới.

Thực hiện tốt công tác khuyến nông, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với công nghiệp chế biến gỗ, phát triển cây dược liệu.

Quan tâm phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp người dân liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa, chú trọng mô hình phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Với trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy, tôi xin tiếp thu đầy đủ và đồng cảm, chia sẻ với tất cả những tâm tư, nguyện vọng của đại diện bí thư, trưởng thôn và người có uy tín ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân

Nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, giảm tối đa tình trạng học sinh bỏ học ở các cấp học; quan tâm chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cấp huyện, xã, bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ cơ sở; có cơ chế đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu là người dân tộc thiểu số ở địa phương. Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở các cấp thông qua chính sách bảo hiểm y tế. Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số và chiến lược về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; xây dựng giải pháp cụ thể nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ người dân tộc thiểu số.

Xây dựng vùng miền núi Quảng Ngãi ngày càng phát triển ảnh 3

Trao biểu trưng hỗ trợ 22 nhà ở cho hộ nghèo.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng dân tộc thiểu số còn khó khăn. Quan tâm tạo nguồn, hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ trẻ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số để tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Xây dựng giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, cơ quan dân cử và ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở theo quy định.

Tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; bảo tồn tiếng nói các dân tộc; ngăn chặn hiệu quả các tập tục lạc hậu, xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tích cực thực hiện tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với phương châm “đi đến tận nơi, tìm hiểu thật kỹ, hiểu rõ người dân, kiên trì, vận động, tham mưu tích cực, hiệu quả lâu dài, sử dụng phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương, vùng miền”.

“Để đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ổn định và phát triển vững chắc hơn nữa, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã được kết luận nhằm góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị.

Hỗ trợ hơn 5,2 tỷ đồng cho đồng bào miền núi

Tại buổi đối thoại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 3 tỷ đồng xây dựng nhà tránh lũ cộng đồng tại thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành. Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 1 tỷ đồng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để xây 22 ngôi nhà (50 triệu đồng/nhà) cho hộ nghèo 5 huyện miền núi và 2 huyện đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số: Bình Sơn, Tư Nghĩa.

Đại diện các doanh nghiệp, nhà tài trợ cũng đã trao hỗ trợ giống tre sinh khối, trị giá 797,8 triệu đồng; hỗ trợ đời sống cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 100 triệu đồng; hỗ trợ 167,7 tấn gạo cho hộ nghèo; tặng quà cho 100 bí thư chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín tham gia buổi đối thoại.