Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Những năm tháng đầu đời đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển sau này của mỗi người. Chính vì vậy, thành phố Hà Nội quan tâm đổi mới giáo dục mầm non nhằm giúp trẻ được phát triển một cách toàn diện. Trong đó, các trường đang tiếp tục triển khai thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm".
0:00 / 0:00
0:00
Ngày hội thể thao tại Trường mầm non Hạt dẻ cười (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội).
Ngày hội thể thao tại Trường mầm non Hạt dẻ cười (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội).

Hôm nay, cô giáo Phùng Thị Hồng Hạnh (Trường Mầm non Tuổi thơ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) lên lớp trong trang phục của một chú hề vui nhộn. Cô mang theo những quả bóng với những mầu sắc khác nhau khiến bạn nhỏ nào cũng thích thú. Nội dung bài học là nhận biết mầu vàng, nhưng không hề khô khan, khi các con được vui đùa với những quả bóng mầu sắc, được tham gia vào cuộc thi bỏ bóng đúng vào những giỏ cùng mầu. Các cô giáo còn tạo những khu vực được dán mầu sắc khác nhau, rồi tổ chức trò chơi chạy vào đúng vị trí theo mầu sắc được gọi. Vừa học, vừa chơi, vừa vận động trong nền nhạc sinh động khiến các con hứng thú tham gia. Hay trong một giờ Mỹ thuật khác, cô và trò Trường Mầm non Tuổi thơ không học trong lớp mà cùng nhau ra vườn trường, ngồi trên những tấm thảm như một buổi picnic. Các con được nhặt những chiếc lá vàng, hái những bông hoa với nhiều mầu sắc, hình dạng khác nhau và cùng nhau sử dụng chúng để sáng tạo nên bức tranh độc đáo của riêng mình.

Tại Trường mầm non Hạt dẻ cười (phường Thạch Bàn, quận Long Biên), một Ngày hội thể thao được diễn ra tưng bừng và đầy niềm vui. Cả ngôi trường đã biến thành một nhà thi đấu rực rỡ. Các em nhỏ được thi, biểu diễn nhiều môn vận động như nhảy, võ thuật, thi bò qua ống, đua xe ô-tô đồ chơi, vượt chướng ngại vật, đua xe thăng bằng, đá bóng khéo... Thông qua cuộc thi, các em đã học cách vận động, phối hợp tay chân để điều khiển đồ vật, cách giao tiếp và chơi với các bạn… Chơi mà học, học mà chơi, trong đó, các con chính là trung tâm của mọi hoạt động và tận hưởng niềm vui mà các cô giáo đã tạo ra. Khuôn mặt bạn nhỏ nào cũng hào hứng, hạnh phúc khi nhận được món quà và tự hào đeo chiếc huy chương lên cổ khi tham gia cuộc thi thể thao.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi thơ (quận Hoàng Mai) cho biết, ngoài 19 phòng học được trang bị đầy đủ, nhà trường còn có tám phòng chức năng hỗ trợ học tập, hai sân chơi phía dưới và ba khu vực sân chơi cát, sân chơi nước ở trên tầng. Các phòng chức năng như âm nhạc, mỹ thuật, nấu ăn, vận động, vi tính... giúp các con được trải nghiệm với nhiều điều mới lạ. Các con được tập nấu những món ăn đơn giản, được tập chơi các loại nhạc cụ khác nhau, được vui chơi với cát, với nước... "Chúng tôi đề cao vai trò lấy trẻ làm trung tâm trong mọi tổ chức và hoạt động của nhà trường nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện: Trí tuệ, sáng tạo, độc lập, tự tin, khả năng hợp tác, hội nhập và giàu tình yêu thương"-cô giáo Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội, hiện thành phố có 1.147 trường mầm non và 2.503 cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được cấp phép. Tổng số trẻ mầm non đang được chăm sóc, giáo dục tại các nhà trường và các cơ sở giáo dục mầm non độc lập là hơn 510.000 trẻ. Tiếp nối những kết quả đạt được của giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục Thủ đô đang triển khai và nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025", nhằm phát huy tính tích cực của trẻ, giúp trẻ chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nội dung các môn học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Bá Minh cho rằng, để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đạt hiệu quả, chất lượng, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện. Các nhà trường cần hợp tác các tổ chức, cá nhân để thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cũng như tăng cường sự phối hợp, tham gia của cha mẹ học sinh tại gia đình và nhà trường. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo là khuyến khích giáo viên cho trẻ sử dụng tối đa đồ dùng, đồ chơi theo danh mục. Các nhà trường bảo đảm cho tất cả trẻ mầm non đều được tiếp cận với môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Ðược học thông qua chơi, thực hành, trải nghiệm sẽ giúp trẻ hình thành, phát triển các kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi, cần thiết trong cuộc sống, hướng tới tương lai.

Một điểm quan trọng nữa trong việc triển khai xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm là các Ban Giám hiệu nhà trường phải luôn tôn trọng, lắng nghe và giao quyền chủ động cho đội ngũ giáo viên trong việc xây dựng và phát triển các mô hình, chương trình giáo dục. Ban Giám hiệu nhà trường cần xem xét, hỗ trợ, định hướng cho giáo viên chủ động tận dụng mọi thời điểm trong chế độ sinh hoạt một ngày, không gian ngoài trời, các phòng chức năng, các hoạt động chuyên âm nhạc, thể chất, tạo hình, các sự kiện, lễ hội, tham quan, dã ngoại... để tổ chức các hoạt động giáo dục một cách hiệu quả ■