Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao.
Về kết quả công tác của Tòa án nhân dân (TAND) trong nhiệm kỳ vừa qua, các tòa án đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội giao với chất lượng cao, đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, tỷ lệ đã giải quyết đạt 97,6%. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Đã đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Ngành đã chủ trì xây dựng 9 dự án luật, 9 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh; phối hợp các cơ quan có liên quan trình Quốc hội ban hành nhiều dự án luật. Việc bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp được chú trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đã công bố được hơn 733 nghìn bản án, quyết định của Tòa án trên cổng thông tin điện tử…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác của các tòa án: đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân vào một nền tư pháp công bằng, nghiêm minh, bảo đảm thượng tôn pháp luật; kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tổ chức xét xử thành công các vụ án tham nhũng lớn, tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, phù hợp với Nghị quyết số 48 và 49 của Bộ Chính trị; đặc biệt công tác phát triển án lệ đã tạo được dấu ấn, giải quyết nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, góp phần hình thành kỹ năng nghiên cứu, vận dụng án lệ trong xét xử. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của tòa án tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường…
Nhấn mạnh mục tiêu CCTP được xác định rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và trong giai đoạn tới nhiệm vụ của TAND rất quan trọng, nặng nề, Chủ tịch nước đề nghị hệ thống tòa án cần tập trung vào những nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Để nâng cao chất lượng xét xử, hoạt động tòa án phải bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết; việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; hoà giải, đối thoại trong các vụ việc dân sự, hành chính. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước và chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các tòa án.
Thứ hai, xây dựng tòa án và nền tư pháp công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, phục vụ người dân tốt nhất, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với tòa án. TAND phải là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, các tòa án phải tăng cường giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Thứ ba, tòa án các cấp phải tích cực và trách nhiệm hơn nữa trong xây dựng thể chế để chủ động thích ứng, giải quyết tốt những vấn đề mới đặt ra cho tòa án và nền tư pháp nước nhà. Tích cực chủ động nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, hành chính và thủ tục tố tụng tư pháp; tăng cường hòa giải, đối thoại và tranh tụng; tiếp tục mở rộng thẩm quyền của tòa án; tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án. Nghiên cứu đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng; chủ động đề xuất hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Tích cực ban hành các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; tổng kết thực tiễn xét xử để giải đáp vướng mắc và phát triển án lệ với số lượng nhiều hơn và chất lượng hơn đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách nhằm thích ứng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ để xây dựng nền tư pháp nước ta tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Chuẩn bị tốt cho việc xét xử, giải quyết tốt các tội phạm, tranh chấp và vi phạm phi truyền thống. Nghiên cứu, đề xuất, tham mưu những định hướng lớn, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về CCTP, hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Hiến pháp 2013. Trong đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của TAND đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Thứ năm, nghiên cứu, đề xuất chủ trương, hành lang pháp lý để xây dựng, thực hiện thành công tòa án điện tử.
Thứ sáu, tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống tòa án, đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Trong bối cảnh đặt ra yêu cầu ngày càng cao đòi hỏi mỗi thẩm phán, mỗi cán bộ tòa án phải giữ vững cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ công lý. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về tư pháp, chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ trao Huy hiệu 40 năm, 30 năm tuổi Đảng cho các đảng viên thuộc Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao. Chủ tịch nước đã trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng tặng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thuân.