Xây dựng tỉnh Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng

NDO - Ngày 4/8, Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị khẳng định, sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 54, tỉnh Hải Dương duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực; bảo đảm cân đối ngân sách; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và tăng cường kết nối liên tỉnh; phát triển đô thị đạt kết quả nổi bật; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra, diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc rõ nét.

Văn hóa, xã hội của tỉnh có bước phát triển mới; an sinh, xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng-quân sự địa phương được củng cố, tăng cường.

Hoạt động hợp tác với các tỉnh trong vùng ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, liên kết ngày chặt chẽ hơn. Với vai trò, vị trí ở trung tâm của vùng, tỉnh đã có những đóng góp nhất định, có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của các địa phương khác trong vùng.

Quy mô kinh tế của tỉnh Hải Dương năm 2021 tăng gấp 11,2 lần so năm 2005, đứng vị trí thứ 11 trong cả nước và thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,6%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 53,2 triệu đồng.

Hải Dương đã quy hoạch phát triển 21 khu công nghiệp, đến nay có 10 khu công nghiệp với diện tích 1.470ha đã đầu tư xây dựng và đang vận hành, khai thác kinh doanh có hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 84%; phát triển 58 cụm công nghiệp với diện tích 2.942,6ha, trong đó có 32 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hải Dương đã thảo luận xây dựng 5 nhóm giải pháp gồm: xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng và phát triển bền vững; phát triển các khu vực, thành phần kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các đô thị xanh, thông minh, hiện đại; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và liên kết phát triển vùng.

Phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế xã hội khá đồng bộ. Đến năm 2030, phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong “top 10” của cả nước; đứng thứ tư và là một trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng; đạt một số tiêu chí cơ bản để Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ nay đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đột phá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 12,6%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800 USD), năm 2030 đạt 200 triệu đồng (tương đương 7.700 USD). Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2025 đạt 210 triệu đồng; năm 2030 đạt 270 triệu đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng hằng năm từ 15% trở lên. Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm.

Tầm nhìn đến 2045, phát triển tỉnh Hải Dương với mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Đến năm 2050, tỉnh Hải Dương là thành phố trực thuộc Trung ương, văn minh hiện đại; là một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, sạch đẹp, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời là một trung tâm công nghiệp, đô thị là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.