Thành phố Thủ Ðức vừa tổ chức tọa đàm "Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Ðức" nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị… về quy hoạch thành phố Thủ Ðức đến năm 2040 theo hướng thông minh, sáng tạo, tương tác cao. Theo các chuyên gia, dựa trên những lợi thế so sánh và những yếu tố có sẵn, Thủ Ðức nên tập trung vào bốn nhóm vấn đề: Kinh tế ứng dụng công nghệ cao; khu vực trọng điểm về sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh; liên kết với các địa phương lân cận như Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… để xây dựng Thủ Ðức trở thành trung tâm giao thương và có các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại N.I.D Ðặng Hồng Kỳ cho biết: Nếu có quy hoạch tầm nhìn từ 15 năm đến 40 năm là rất tốt, bởi khi triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội phải bám sát theo đồ án đã được quy hoạch. Thủ Ðức là vị trí có nhiều hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có các trường đại học, khu công nghệ cao…, đây là điều kiện rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp mong muốn đồ án quy hoạch Thủ Ðức sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học… để xây dựng đồ án có tầm nhìn và có định hướng chiến lược lâu dài. Khi các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào Thủ Ðức thì họ cần một quy hoạch rõ ràng, minh bạch để mạnh dạn, yên tâm đầu tư lâu dài.
Thành phố Thủ Ðức chứa đựng nhiều nhân tố để phát triển thuận lợi nhất so với các địa phương khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Có các cảng biển lớn, có Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đô thị khởi nghiệp sáng tạo, đô thị mới Thủ Thiêm, đầu mối giao thông đường bộ và đường thủy, tuyến tàu điện nội đô đầu tiên nối với các quận trung tâm thành phố trong tương lai… Do đó, khi quy hoạch đồ án, thành phố Thủ Ðức phải chú trọng đến năm trụ cột để làm động lực tăng trưởng kinh tế bền vững: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, sản phẩm công nghệ; dịch vụ cảng và logistics; giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ gắn với trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường tài chính gắn với xây dựng trung tâm tài chính và thương mại Thủ Thiêm; thị trường bất động sản gắn với quá trình đô thị hóa. Nếu thực hiện đúng điều này, các nhà chuyên môn dự báo, trong 10 năm tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bình quân mỗi năm khoảng từ 7,5 đến 8%, thì kinh tế trên địa bàn thành phố Thủ Ðức chủ yếu dựa vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, cho nên sẽ kỳ vọng tăng trưởng bình quân hằng năm hai con số. Ông Nguyễn Ðỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn enCity nhấn mạnh: Trước hết, Thủ Ðức phải biết doanh nghiệp cần những gì để xây dựng đồ án quy hoạch thành công. Doanh nghiệp cần quỹ đất, cần thủ tục về sử dụng đất đai thông thoáng hơn, cần kết nối hạ tầng, cần về nhân lực, khoa học-công nghệ… Khi doanh nghiệp tham gia góp ý kiến, nắm được thông tin của đồ án thì họ cũng nhìn thấy các cơ hội đầu tư. Hy vọng thành phố Thủ Ðức với mô hình thành phố trong thành phố và có nhiều chính sách thông thoáng sẽ mở ra cánh cửa rộng hơn đưa Thủ Ðức đạt được những mục tiêu đề ra.
Ðể phát triển nhanh và bền vững, Thủ Ðức đang tập trung phát triển khoa học-công nghệ; công nghệ tài chính; y tế và chăm sóc sức khỏe; công nghệ sinh học, công nghệ sinh thái; giáo dục và đào tạo bậc cao; nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao... Ðây là những tiền đề quan trọng để Thủ Ðức hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu... Chủ tịch HÐQT Công ty Ðầu tư bất động sản DT24.vn Nguyễn Quốc Bảo cho biết: Thành phố Thủ Ðức nên có dự báo về tiến độ thực hiện của các dự án đã được quy hoạch, nhất là về vấn đề hạ tầng. Dự báo được một năm tới sẽ hoàn thành được những gì? Năm thứ hai, thứ ba hoàn thành những gì? Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ có kế hoạch đầu tư ở những phân đoạn nào cho phù hợp. Ngoài ra, Thủ Ðức có đường thủy rất đắc địa, đó là sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch, cho nên Thủ Ðức cần chú trọng quy hoạch phát triển đường thủy. Hạ tầng đường thủy trên địa bàn Thủ Ðức hiện còn kém phát triển, chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Vấn đề cấp bách là Thủ Ðức phải khai thông triệt để đường thủy, phải có quy hoạch các cụm cảng, trong đó phải tính đến bến cảng cho khu công nghiệp, bến cảng cho du lịch, bến cảng cho hành khách trong tương lai...
Thành phố Thủ Ðức có diện tích tự nhiên hơn 211 km2, tổng số dân hơn một triệu người. Quy hoạch đến năm 2040 thành phố Thủ Ðức sẽ phát triển thành trọng điểm sáng tạo và trung tâm đổi mới, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, quy hoạch 1.000 ha dành cho sản xuất công nghệ cao, với 10% diện tích sàn dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo; 2.100 ha dành cho công viên và không gian mở; đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện công cộng, như tàu metro, dịch vụ giao thông theo yêu cầu, các mô hình giao thông xanh khác...
Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH