Ðồng chí Bùi Văn Quang: Thực tiễn triển khai, điều hành các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua tại địa phương cho thấy, một trong những vấn đề còn nhiều hạn chế trong thời gian qua là sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu khả thi của nhiều văn bản pháp luật, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án ở địa phương. Chính sách, pháp luật thay đổi nhanh cũng gây ra nhiều vướng mắc trong thực tế, như những quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường, lâm nghiệp, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư… Sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật là nguyên nhân trực tiếp kéo dài thời gian làm hồ sơ, thủ tục, cũng là nguyên nhân làm phát sinh đơn thư, khiếu kiện do cách hiểu, vận dụng khác nhau. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra còn kéo dài, thậm chí có trường hợp còn nặng về tìm lỗi phê bình, nhẹ về hướng dẫn, vô tình làm giảm hưng phấn công tác, nhiệt tình sáng tạo của cán bộ địa phương. Việc phân cấp đã có tiến bộ, song chưa gắn với phân quyền, nhiều việc đã phân cấp, nhưng vẫn phải xin ý kiến bộ, ngành mất rất nhiều thời gian. Có trường hợp bộ, ngành trả lời chưa rõ ràng, cho nên địa phương không triển khai được và tác động không tốt đến môi trường đầu tư của tỉnh. Văn bản pháp luật nhìn chung chưa tạo thành một chỉnh thể thống nhất, xuyên suốt. Vì vậy, cán bộ, công chức có thể lợi dụng những hạn chế trong chính sách, pháp luật để đưa vào dạng “linh hoạt”, có thể làm hoặc không làm, xử lý hoặc không xử lý. Chính điều này khiến phát sinh những vụ việc phức tạp kéo dài, tiêu cực, khiến cho các cơ quan mất nhiều thời gian để giải quyết, gây lãng phí lớn cho xã hội.
PV: Thưa đồng chí, những vấn đề đồng chí vừa nêu cũng là mối quan tâm chung của nhiều địa phương trong thời gian qua. Theo đồng chí cần làm gì để khắc phục những hạn chế, bất cập đó?
Ðồng chí Bùi Văn Quang: Việc cần làm ngay là phải khắc phục mâu thuẫn trong văn bản pháp luật, việc áp dụng các quy định pháp luật phải phù hợp với điều kiện thực tế, trong từng thời điểm cụ thể. Muốn giải thích pháp luật cho người dân, doanh nghiệp thì pháp luật phải rõ ràng và khả thi. Và do đó, cần tăng cường rà soát và điều chỉnh các quy định không còn phù hợp, tăng cường sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, mỗi vùng, miền, địa phương có những đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau, quy định pháp luật cũng cần bảo đảm sự tương thích và khả thi, vấn đề nào phân cấp cho địa phương quyết định thì cần quy định rõ trong pháp luật. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai là vấn đề nổi cộm nhất, một phần không nhỏ do chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Thời gian tới, trong lĩnh vực đất đai, việc phát huy dân chủ cần gắn với thực thi nghiêm pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo đúng pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, cần làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, những lỗi do cơ chế, chính sách, pháp luật và những lỗi do cố ý vi phạm. Thực tế cho thấy, cấp ủy, chính quyền các địa phương đều muốn triển khai công việc nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, muốn làm đúng quy định pháp luật nhưng còn gặp rất nhiều vướng mắc từ chính sách, pháp luật quốc gia. Việc khai thông các vướng mắc đó cần được coi là nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Ðại hội Ðảng và là một nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn tới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hà Hồng Hà và Ngọc Long
(Thực hiện)