Năm học qua, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập, tổ chức thành công Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc công tác xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố đã hoàn thành xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố phục vụ công tác phổ cập giáo dục-xóa mù chữ. Hiện tại toàn bộ 312 phường, xã, thị trấn của thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2023.
Ðối tượng trong độ tuổi từ 15 đến 18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 337.249 học sinh, đạt tỷ lệ 98,36% (năm 2022 là 319.516 học sinh, tỷ lệ 98,14%). Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành trong công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở để giữ vững tỷ lệ trong các năm vừa qua.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục-xóa mù chữ Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các văn bản, hướng dẫn đến Ban chỉ đạo các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức để xây dựng kế hoạch phù hợp, sát thực tế nhằm đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn quy định phổ cập giáo dục-xóa mù chữ hiện hành.
Kết quả, 100% đạt chuẩn phổ cập trẻ em 5 tuổi; 100% đạt chuẩn phổ cập bậc tiểu học mức độ 3; 100% đạt chuẩn phổ cập bậc trung học mức độ 2; và 100% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Ðể tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, hành động học tập suốt đời theo bộ tiêu chí của UNESCO, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giai đoạn 2024-2030".
Mục đích của việc ban hành kế hoạch này là để triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập theo tiêu chuẩn của UNESCO phù hợp với điều kiện của thành phố.
Ðồng thời, thành phố triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ và huy động nguồn lực để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tầng lớp nhân dân; tích cực hơn nữa trong việc tham dự, tổ chức các hoạt động quốc tế về xây dựng Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, bảo đảm triển khai các nội dung đã cam kết với UNESCO trong việc thực hiện các kế hoạch và tiêu chí trong hồ sơ đăng ký thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.
Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị và người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng thành phố học tập, công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, qua đó góp phần thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ðó là việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo, triển khai công tác xây dựng thành phố học tập, học tập suốt đời trên địa bàn.
Thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Năm học 2024-2025, ngành giáo dục thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình giáo dục học tập suốt đời, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng. Ðồng thời, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Ðề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030"; triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030" năm 2024.
Ðể triển khai hiệu quả kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai công tác xây dựng thành phố học tập sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và người dân. Việc thực hiện các cam kết, kế hoạch và bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập theo tiêu chuẩn của UNESCO phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.
Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập phải gắn với triển khai thực hiện Ðề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và Phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030". Qua đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025, tất cả các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; có 90% số quận, huyện và thành phố Thủ Ðức hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; 100% số quận, huyện và thành phố Thủ Ðức đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Ngoài ra, đến năm 2025, thành phố có 70% các trường đại học trên địa bàn có triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 60% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; và 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục...
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề nghị ngành giáo dục thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030"; trong đó, nhấn mạnh đến việc thực hiện đầy đủ cam kết xây dựng thành phố học tập là một thành phố cung cấp cho tất cả mọi người cơ hội học tập suốt đời, bất kể tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn hay hoàn cảnh xã hội. Ðồng thời, thành phố hoàn thành hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận "Cộng đồng học tập" cấp tỉnh, gửi đến Bộ Giáo dục và Ðào tạo đánh giá, công nhận Thành phố Hồ Chí Minh đạt "Cộng đồng học tập" cấp tỉnh.