Xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh động vật

Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công và được Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công nhận vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm (GS, GC). Thành phố còn hình thành 189 cơ sở an toàn dịch bệnh gồm 64 cơ sở chăn nuôi, 125 phường, xã an toàn bệnh dại…

Một hộ chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi.
Một hộ chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi.

Dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… xảy ra liên tục trong nhiều năm qua trên cả nước đã gây áp lực rất lớn cho đàn GS, GC tại thành phố. Trước tình hình này, Chi cục Thú y thành phố đã tích cực phối hợp với chính quyền, ban ngành địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách đồng bộ và liên tục.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Huỳnh Tấn Phát cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã xây dựng thành công và vượt chỉ tiêu đề ra trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho GS, GC. Hiện, có 189 cơ sở an toàn dịch bệnh. Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch đối với bệnh lao, sảy thai truyền nhiễm và hoàn thành trước mục tiêu bốn quận an toàn dịch bệnh dại năm 2014 (quận 1, 3, 4, 5); bốn cơ sở cá cảnh được công nhận an toàn dịch bệnh vi-rút mùa xuân (SVC) và đang xây dựng hai cơ sở an toàn dịch bệnh Koi herpes vi-rút (KHV)”.

Theo Chi cục Thú y thành phố, trong giai đoạn 2011-2015, toàn thành phố có tổng đàn bò sữa hơn 100.000 con, tăng bình quân gần 8%/năm. Đàn heo gần 380.000 con, tăng hơn 1%/năm. Các đơn vị của thành phố đã thực hiện tiêm phòng gia súc, giám sát dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo, heo tai xanh, bệnh dại trên vật nuôi, tập huấn tuyên truyền, hợp tác với các địa phương để thực hiện chuỗi an toàn thực phẩm động vật và sản phẩm động vật, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật... Năm năm qua, ngành thú y thành phố cũng đã xử lý tổng cộng 440 heo bệnh lở mồm long móng và heo chung đàn có nguồn gốc các tỉnh; xử lý sáu trường hợp heo bệnh bị giết mổ trái phép tại Gò Vấp, Bình Chánh góp phần ổn định tình hình dịch tễ gia súc trên địa bàn.

Chủ tịch UBND quận kiêm Trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật quận 10 Nguyễn Đức Trọng, chia sẻ, sau khi thành phố chọn quận làm thí điểm xây dựng cơ sở an toàn bệnh dại chó, mèo, quận đã thường xuyên kết hợp với Trạm Thú y, Trung tâm y tế dự phòng tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại cho người và động vật. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức như tập huấn về đặc điểm bệnh dại và biện pháp phòng, chống qua những sự việc thật, hình ảnh sinh động để người dân dễ hiểu; cung cấp tài liệu tuyên truyền trực tiếp tới tận hộ dân, thực hiện xe tuyên truyền lưu động; đưa công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại vào các buổi họp, sinh hoạt nhân dân ấp định kỳ… Đồng thời, quận còn tiến hành triển khai đăng ký nuôi chó, mèo gắn với công tác điều tra, khảo sát tình hình nuôi chó, mèo. Hiện, toàn bộ số chó, mèo trên địa bàn các phường đều đã được tiêm phòng bệnh dại. Năm 2015, quận có thêm bốn phường nâng tổng số 12/15 phường được Cục Thú y công nhận an toàn bệnh dại.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh ở thành phố tiếp tục được thực hiện với nhiều mục tiêu được đề ra. Cụ thể: Đến năm 2018, công nhận huyện Củ Chi là vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và đến năm 2020 nhân rộng đối với hai huyện chăn nuôi trọng điểm khác của thành phố là Bình Chánh và Hóc Môn. Xây dựng 80% cơ sở chăn nuôi bò sữa quy mô hơn 100 con áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, trong đó có 50% số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh, 30% số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP. 95% số cơ sở chăn nuôi heo tập trung quy mô hơn 500 con áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP. Đến năm 2020, xây dựng và được công nhận vùng thành phố là vùng an toàn với bệnh dại.

Đóng góp ý kiến về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho cơ sở chăn nuôi heo, bà Phùng Khánh Ngân, chủ cơ sở chăn nuôi heo ở ấp An Hòa, xã An Phú, huyện Củ Chi, cho rằng: “Việc thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn heo là một trong những công việc rất quan trọng đối với người chăn nuôi. Trong đó, có một số biện pháp quan trọng như cần phải tiêm phòng đầy đủ và tiêm phòng bổ sung thường xuyên vắc-xin lở mồm long móng, dịch tả và các loại vắc-xin khác cho đàn heo nái và heo con. Thực hiện nghiêm túc việc lập hố sát trùng tại đầu các dãy chuồng và sát trùng định kỳ chuồng trại, vật dụng chăn nuôi theo hướng dẫn của thú y”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nông nghiệp vẫn lo lắng dịch bệnh có nguy cơ tái lại, vùng an toàn dịch bệnh bị “phá sản”. Từ ngày 1-7 tới đây khi Luật Thú y có hiệu lực, khi đó các hộ chăn nuôi chỉ khai báo kiểm dịch khi xuất động vật, sản phẩm động vật số lượng lớn ra khỏi tỉnh, còn lưu hành trong tỉnh thì không phải khai báo kiểm dịch như trước đây. Việc kiểm soát vận chuyển động vật gặp nhiều khó khăn, nguy cơ phát tán dịch bệnh phát sinh, người dân bán chạy gia súc bệnh ảnh hưởng đến tình hình dịch tễ của thành phố rất cao. Bên cạnh đó, người dân tìm cách “né” việc tiêm phòng định kỳ do không cần khai báo kiểm dịch khi xuất bán gia súc sẽ là một trong những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phước Trung lưu ý: “Phải tiếp tục duy trì và mở rộng vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới được công nhận nhiều hơn, nghĩa là chúng ta yên tâm hơn và giảm thiểu được tối đa những trường hợp tổn thất về kinh tế. Một vấn đề nữa cũng phải tiếp tục là thống kê, cập nhật, có những hộ chăn nuôi nào mới phát sinh phải cập nhật ngay. Chi cục Thú y cùng với các đơn vị, nhất là người chăn nuôi có nhu cầu thì tiếp tục mở rộng huấn luyện, tập huấn để tiến tới chứng nhận VietGAP…”.