Thời gian tới, hai bên tăng cường công tác thông tin nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng, đối ngoại của Quốc hội và việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ Công an.
Dự cuộc làm việc chiều nay có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an; các Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Bộ Công an.
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Quốc hội có 3 chức năng cơ bản gồm lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; trong đó, mục tiêu bao trùm mọi hoạt động của Quốc hội là phải bảo đảm mối quan hệ căn cơ giữa 2 nhiệm vụ quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế, xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dịp này đánh giá vai trò tích cực và những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an với hoạt động Quốc hội.
Đồng chí nhấn mạnh: Lực lượng công an với vai trò là lực lượng vũ trang quan trọng, là “thanh bảo kiếm” của Đảng và Nhà nước, có rất nhiều nhiệm vụ được quy định tại Hiến pháp, pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; mới đây nhất là Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiệm vụ xây dựng pháp luật, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết này cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác lập pháp của Quốc hội Khóa XV và đã được thể hiện một phần tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XV, trong đó, tại Kỳ họp thứ ba tới của Quốc hội cũng có một số nhiệm vụ xây dựng pháp luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Nhấn mạnh, quốc phòng, an ninh là lĩnh vực trọng yếu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, chủ động, cộng đồng trách nhiệm trong mọi công việc, Bộ Công an và các cơ quan của Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng các nội dung, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng, tiến độ và mục tiêu đề ra.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn xác định công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong quá trình chủ trì soạn thảo, xây dựng các dự án luật được giao, Bộ Công an luôn quán triệt quan điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lưu ý, đó là phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết, không “cua cậy càng, cá cậy vây”, không xem đó là việc riêng của bộ, ngành nào…
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã thảo luận các nội dung cụ thể nhằm tăng cường phối hợp, hỗ trợ Bộ Công an trong công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cho sự phát triển của đất nước.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ cho biết: Về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, Bộ Công an đều có Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, giao cụ thể cho các đơn vị nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết để báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời đề xuất các dự án luật đưa vào điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tập trung tham mưu, xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; ban hành kịp thời nhiều chủ trương, kế hoạch, mệnh lệnh, giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước...
Về công tác phối hợp giữa Bộ Công an và các cơ quan của Quốc hội cơ bản bảo đảm chặt chẽ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Bộ Công an đã ký 3 quy chế phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Văn phòng Quốc hội để thực hiện các nhiệm vụ. Trong hoạt động lập pháp, Bộ Công an chủ động phối hợp các ủy ban ngay từ khâu chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong hoạt động giám sát, Bộ Công an đã tích cực, chủ động cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, làm việc, báo cáo với Đoàn giám sát, Đoàn khảo sát của các cơ quan của Quốc hội. Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát, Bộ Công an đã tham mưu giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng về quốc phòng, an ninh…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề xuất, kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Bộ Công an đề nghị các ủy ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ Bộ Công an trong quá trình thẩm tra hồ sơ đề nghị xây dựng, hồ sơ dự án luật và trong quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua các dự án luật. Tiếp tục tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Về quan hệ công tác với các ủy ban, cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề xuất, kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo: Đối với các ủy ban, cơ quan của Quốc hội đã ký Quy chế phối hợp Bộ Công an cần bám sát vào các nội dung trong quy chế phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để bảo đảm các hoạt động phối hợp được triển khai thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả theo đúng mục đích, yêu cầu đề ra.
Đối với các ủy ban chưa ký Quy chế phối hợp Bộ Công an, đề nghị rà soát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ công tác thường xuyên phối hợp với Bộ Công an; căn cứ tình hình, kết quả công tác để tham mưu lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo ký Quy chế phối hợp nếu thấy cần thiết.
Chỉ tính riêng nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành 13 luật, nghị quyết. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) năm 2021 và đang trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Tại Kỳ họp thứ ba tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 1 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến đối với 2 dự án luật (Luật Phòng chống ma túy sửa đổi năm 2021; Luật Cảnh sát cơ động).
(Theo báo cáo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an)