Xây dựng, phát triển sân khấu Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới

NDO - Tối 3/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội (1957-2022) và Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
0:00 / 0:00
0:00
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trình bày diễn văn kỷ niệm. (Ảnh: THANH TÙNG)
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trình bày diễn văn kỷ niệm. (Ảnh: THANH TÙNG)

Đến dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan, cùng đông đảo các thế hệ nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu.

Trình bày diễn văn kỷ niệm, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẳng định, ngay từ những ngày đầu khai sinh, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, tận dụng và phát huy tối đa các giá trị nghệ thuật mà nhiều thế hệ cha ông đã tích lũy, hun đúc trong tiến trình lịch sử của dân tộc để xây dựng một nền sân khấu cách mạng, phục vụ sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

Từ 379 hội viên những ngày đầu thành lập, đến nay, Hội đã có 2.600 hội viên đang hoạt động ở khắp mọi miền trên cả nước trong các loại hình nghệ thuật: chèo, tuồng, cải lương, múa rối, dân ca kịch, kịch nói, xiếc, sân khấu dù kê…

Trong quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều tác phẩm sân khấu, với những hình tượng nghệ thuật đặc sắc do tập thể các nghệ sĩ sáng tạo đã khắc họa sinh động chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình, ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng, có bề dày lịch sử hằng ngàn năm, không chịu khuất phục trước bạo lực và luôn chiến thắng trước kẻ thù.

Thời kỳ đổi mới đến nay, Hội đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật đạt chất lượng cao, tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trải qua 65 năm phấn đấu trưởng thành, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao vàng. 15 tác giả đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; 53 tác giả được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; 229 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; 1208 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng thằng thắn nhận định: Nghệ thuật sân khấu đang phải đối mặt nhiều thách thức trong thời kỳ hội nhập. Sự đòi hỏi cấp thiết của đời sống xã hội đang đặt ra nhiều câu hỏi mà tập thể Ban Chấp hành Hội khóa IX, các nghệ sĩ sân khấu cả nước cần có lời giải.

Đó là làm thế nào để bù đắp sự thiếu hụt lực lượng sáng tạo tài năng; bảo tồn, gìn giữ, phát huy được các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống và đưa các giá trị ấy đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm thế nào để kéo khán giả đến với sân khấu như ở những thập niên cuối thế kỷ 20…

Hội xác định ba vấn đề lớn làm nền tảng và động lực phát triển sân khấu trong thời kỳ hội nhập, đó là: bằng mọi cách phải bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống; thường xuyên cầu thị, tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật sân khấu thế giới một cách chọn lọc nhằm xây dựng một nền sân khấu tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đề cao các giá trị chân, thiện, mỹ trong mỗi tác phẩm, hướng nhận thức thẩm mỹ của khán giả tới những điều tốt đẹp, nhân văn, nhân ái.

Xây dựng, phát triển sân khấu Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới ảnh 1

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: THANH TÙNG)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, Đảng ta luôn khẳng định: Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Trước yêu cầu đó, văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu cần tiếp tục tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế để góp phần hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của con người Việt Nam hiện tại.

Thời gian tới, Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động, để Hội thực sự là nơi quy tụ các nghệ sĩ sân khấu cả nước, hỗ trợ, khích lệ sáng tạo các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Hội cần phát huy tốt hơn vai trò tư vấn, phản biện xã hội, tích cực tư vấn cho Đảng, Nhà nước những giải pháp thiết thực, từng bước xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam vừa đa dạng vừa thống nhất, vừa truyền thống vừa hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và thời đại.

Tham gia lễ kỷ niệm, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống, còn cần quảng bá di sản quý báu mà cha ông đã để lại đến khán giả trong nước và quốc tế. Cần kết hợp những loại hình sân khấu mới với các loại hình truyền thống để chuyển tải những nội dung lớn của đất nước, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tin tưởng Hội sẽ ươm mầm được nhiều tài năng sân khấu trẻ cũng như công chúng trẻ cho sân khấu, đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ với các hội chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật trên toàn quốc để xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhân dân.

Xây dựng, phát triển sân khấu Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới ảnh 2

Vinh danh đại diện các tập thể, nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu. (Ảnh: THANH TÙNG)

Tại lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã vinh danh đại diện các tập thể, nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Buổi lễ khép lại bằng chương trình biểu diễn lễ hội đường phố mang tên “Tinh hoa nghệ thuật Việt” với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương trên cả nước.