Xây dựng, phát triển nền công nghiệp điện ảnh

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Nhiều nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; thẩm định và phân loại phim; quản lý, phổ biến, khai thác phim do Nhà nước đầu tư sản xuất... được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội.
Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị các chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh cần quy định cụ thể và có sự khuyến khích, đột phá hơn, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được chỉnh lý. 

Theo đó, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh tại Điều 6 (dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai) về Điều 5 dự thảo Luật; quy định những nội dung Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ tại khoản 2 Điều 5 để linh hoạt trong các trường hợp cụ thể cần thiết Nhà nước đầu tư hoặc huy động nguồn lực xã hội; tách nội dung quy định chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp cho hoạt động điện ảnh quy định thành một khoản riêng...

Nội dung liên quan Hội đồng thẩm định và phân loại phim luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Ở các hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật đã có ý kiến nhiều chiều. 

Thực tế có nhiều hội đồng phân loại phim khác nhau, phù hợp các thể loại phim, do vậy yêu cầu thành phần của các hội đồng phân loại phim có sự khác nhau nhất định, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Hội đồng thẩm định, phân loại phim. Quy định cụ thể về thành phần, trách nhiệm của thành viên... sẽ có văn bản dưới luật hướng dẫn để linh hoạt trong thực tế. 

Do vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý khoản 2 Điều 31, bỏ quy định tỷ lệ 2/3 thành viên Hội đồng thẩm định là các chuyên gia điện ảnh. Bên cạnh đó, việc quản lý, phổ biến, khai thác phim do Nhà nước đầu tư sản xuất cũng được cơ quan soạn thảo giải trình kỹ hơn. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định: Khuyến khích phổ biến phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước trên truyền hình, rạp chiếu phim, phục vụ đồng bào vùng miền núi, biên giới, hải đảo... 

Vấn đề bản quyền phim đang được quy định cụ thể tại dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung quy định “Quyền sở hữu phim, quyền sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ” (khoản 6 Điều 14).

Ở nội dung về phát hành phim, trước những ý kiến cho rằng cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim và đề nghị xem xét bỏ quy định “Phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng” (khoản 1 Điều 17) vì cho rằng điều này sẽ hạn chế các doanh nghiệp xuất khẩu phim, dự thảo Luật đã bổ sung quy định “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim” (khoản 4 Điều 17). 

Tuy nhiên, việc kiểm soát nội dung phim trước khi xuất khẩu là cần thiết, tránh lọt các phim Việt Nam có nội dung vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh quốc gia, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam, vì vậy dự thảo Luật  giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 17. 

Các vấn đề liên quan phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim từng nhận nhiều phản hồi từ các đơn vị kinh doanh, phát hành đề nghị bổ sung quy định nhằm bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim và điều chỉnh quy định về miễn/giảm giá vé xem phim theo hướng khuyến khích, không áp đặt; xem xét giảm giá vé xem phim đối với trẻ em, người có công với cách mạng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim có quyền “Ngăn chặn việc sao chép, ghi âm, ghi hình phim trái pháp luật, yêu cầu cá nhân vi phạm rời khỏi rạp chiếu phim, xem xét kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm” (khoản 2 Điều 19); đồng thời chỉnh lý, sửa đổi theo hướng không quy định cụ thể mức giảm giá vé mà để Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp được miễn giảm giá vé xem phim (điểm c khoản 3 Điều 19) để linh hoạt điều chỉnh phù hợp thực tiễn.

Về phương án hậu kiểm, đề nghị cấp phép, phân loại phim phổ biến trên không gian mạng và đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ quan soạn thảo đã giải trình kỹ từng nội dung. Phương án hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp thực tiễn, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. 

Do vậy, quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng (khoản 2 Điều 21, điểm b khoản 2 Điều 9)... 

Ngoài ra, đối với hoạt động chiếu phim lưu động ở địa phương,  cơ quan soạn thảo đã rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật quy định giao chính quyền địa phương bảo đảm kinh phí, quyết định và đầu tư thiết bị phổ biến phim, phương tiện vận chuyển phù hợp thực tế của từng địa phương.

Về cơ bản, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với dự thảo luật và dự thảo báo cáo. 

Tuy nhiên, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần tiếp tục được rà soát lại mục tiêu, quan điểm, yêu cầu khi xây dựng Luật. Bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển. 

Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh cần xác định như nhiệm vụ quan trọng. 

Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022, với kỳ vọng giúp ngành điện ảnh có bước phát triển, hội nhập mới.