Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Xây dựng pháp luật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản lý hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước

NDO -

Phát biểu bế mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.

Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có kết luận cho định hướng xây dựng pháp luật cho cả một nhiệm kỳ, là định hướng hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật. 

Quốc hội khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự tham gia đông đủ, trách nhiệm của các đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và đông đảo các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Kết luận và Đề án. Sau hội nghị này, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư và trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức, địa phương tại Hội nghị, Đảng đoàn Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan sớm hoàn thiện kế hoạch để ban hành ngay trong tuần này.

Nhấn mạnh thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vai trò của thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật.

Cùng với yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII của Đảng cũng xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế... trong tình hình mới.

“Như vậy, Nghị quyết Đại hội yêu cầu cả về hình thức, nội dung và chất lượng hệ thống pháp luật phải bảo đảm. Hình thức thể hiện các văn bản phải đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và tuổi thọ tương đối lâu dài”- Chủ  tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đề cập đòi hỏi “chất lượng các dự án luật phải đặt lên hàng đầu, chất lượng các đạo luật cuối cùng là phải phản ánh được thực tế cuộc sống, phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trật tự an toàn của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Cuộc sống mà không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật cũng khó lòng đi vào cuộc sống”.

Xây dựng pháp luật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản lý hiệu quả mọi nguồn lực phát triển đất nước -0
Hội nghị diễn ra tại hội trường Diên Hồng. 

Ưu tiên hoàn thiện các đạo luật “trọng điểm, then chốt”

Với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Các định hướng và nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án đã bao quát toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Quốc hội không quyết định chương trình lập pháp 5 năm mà chỉ quyết định chương trình lập pháp hằng năm. “Kết luận 19 của Bộ Chính trị là lần đầu tiên Bộ Chính trị có kết luận về định hướng xây dựng pháp luật cho cả một nhiệm kỳ. Đây là định hướng hết sức quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng pháp luật hằng năm, trên cơ sở định hướng dài hạn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Như vậy, chúng ta chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để bảo đảm tiến độ, chất lượng của công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”- Chủ tịch nói rõ hơn, đó là “cái đang cần thì không có để xem xét, thông qua, cái mà các cơ quan trình thì lại chưa thực sự cấp thiết, hoặc cấp thiết nhưng chuẩn bị chưa kỹ lưỡng...”.

Xây dựng pháp luật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản lý hiệu quả mọi nguồn lực phát triển đất nước -0
Các đại biểu tham dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng.

Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các đại biểu Quốc hội cần quan tâm lưu ý một số vấn đề lớn.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần không ngừng đổi mới, tìm tòi, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định.

 “Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”- Chủ tịch Quốc hội nói.

 Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định: “Kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ. Với tinh thần làm việc ngày đêm, cố gắng đến mức tối đa, có thể làm ngoài giờ để đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển nhưng tất cả các dự án luật, dự thảo nghị quyết không bảo đảm chất lượng thì dứt khoát trả lại”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp gắn với trách nhiệm của tập thể, tổ chức và cá nhân, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, “là căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.  

Xây dựng pháp luật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản lý hiệu quả mọi nguồn lực phát triển đất nước -0
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tham luận tại hội nghị.  

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV trên tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất. Trong đó, có 12 nhiệm vụ thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và 2022; cùng 88 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các văn bản luật hiện hành và 37 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản mới. Đề án đã dự kiến phân công cơ quan, tổ chức thực hiện và thời hạn hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu.

Trong số 137 nhiệm vụ lập pháp nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đến nay các cơ quan đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với 16 nhiệm vụ, trong đó có 13 dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2021 và 2022; có 3 dự án luật đang được đề nghị xem xét, bổ sung vào Chương trình năm 2022.