Xây dựng nông thôn mới Yên Bình

Yên Bình là huyện miền núi vùng thấp, có sáu xã đặc biệt khó khăn, một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới... Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, hết năm 2023 huyện hoàn thành toàn diện các tiêu chí, và là huyện thứ hai của tỉnh Yên Bái hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân dân xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) đổ bê-tông làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) đổ bê-tông làm đường giao thông nông thôn.

Huyện Yên Bình có hơn 11,4 vạn dân, sinh sống ở 22 xã và hai thị trấn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48% số dân, cho nên việc nâng cao chất lượng cuộc sống khu vực nông thôn miền núi gặp khó khăn. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Yên Bình đã huy động được gần 3.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng công tác vận động xã hội hóa trong nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đã huy động được hơn 200 tỷ đồng...

Trong thời gian qua, có thể thấy, phong trào hiến đất làm đường xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân dân góp công góp sức được lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, sâu rộng.

Ðơn cử tại các xã, thị trấn đăng ký thực hiện hơn 950 công trình, phần việc liên quan đến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Cùng với đó địa phương duy trì, triển khai thực hiện thường xuyên, nền nếp "ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp" với hơn 750 buổi, gần 10.000 lượt cán bộ đảng viên, cán bộ công chức, viên chức tham gia kiên cố hóa được 150 km đường giao thông nông thôn (có 20 km là đường mở rộng, mở mới mặt đường rộng năm mét). Trồng hơn 40 km đường hoa, xây dựng được gần 100 km đường điện thắp sáng nông thôn. Ngoài ra, để giúp các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ gần 800 con lợn, gần 15.000 con gà, 26.000 cây giống, hơn 200 vật dụng, thiết bị sản xuất nông nghiệp...

Qua tuyên truyền, vận động, huyện được nhân dân đồng thuận, ủng hộ hiến đất, bàn giao mặt bằng thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Yên Thế-Vĩnh Kiên và dự án nâng cấp, mở rộng đường Yên Bình-Bạch Hà-Vũ Linh cùng rất nhiều dự án giao thông nông thôn, nhà văn hóa, công trình phúc lợi... Với những nỗ lực cố gắng, huyện Yên Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao như: Ðại Minh, Mỹ Gia, Bạch Hà, Thịnh Hưng, Hán Ðà, Ðại Ðồng.

Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh đánh giá, việc phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ là cấp thiết; qua đó, khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của địa phương, kịp thời phát hiện, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Từng tập thể, cá nhân cũng xác định rõ các phần việc phải làm, mục tiêu, chỉ tiêu phải hoàn thành, các tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm để từ đó có giải pháp, tăng tốc hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2023.

Với quan điểm chỉ đạo "Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm" và thái độ "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", theo hướng cụ thể, rõ người, rõ việc, kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu gắn liền với đổi mới công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo hướng chủ động, hiệu quả và theo phương châm "dân là gốc". Từ quyết tâm cao, hành động đúng, người dân đồng thuận, Yên Bình đã chuyển mình đúng hướng, cuộc sống của người dân cải thiện rõ nét.

Bà Hoàng Thị Dần trú thôn Nà Ta, xã Xuân Long cho biết: Người dân nơi đây cảm thấy đời sống có nhiều thay đổi. Ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường được nâng lên, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi trong nhà, ngoài ngõ, các hộ phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình, góp phần bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Kiên Nguyễn Văn Chiến phấn khởi cho biết: Nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện, nhà máy xử lý rác thải trị giá 10 tỷ đồng xây dựng xong đã đưa vào hoạt động, bảo đảm thu gom, xử lý rác của người dân thị trấn Thác Bà và các xã lân cận. Ðây là vấn đề khó đã được giải quyết ở vùng nông thôn, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa an toàn cho nguồn nước sinh hoạt trên hồ Thác Bà.

Phát huy thế mạnh vùng hồ Thác Bà, thời gian vừa qua huyện chú trọng phát triển dịch vụ du lịch, từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thu hút các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch vùng hồ. Ðáng chú ý, huyện đã hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách trong nước và quốc tế, như du lịch tâm linh Ðền Mẫu Thác Bà, Ðình làng Khả Lĩnh, Ðình làng Ba Chãng, du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh trên hồ, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá bản sắc các dân tộc tại các xã Vũ Linh, Phúc An, lễ hội Bưởi Ðại Minh, đua thuyền trên hồ Thác Bà... góp phần đổi mới vùng đất và con người Yên Bình trong thời kỳ mới.