Xây dựng nông thôn mới thông minh

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã trong cả nước đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, có tiêu chí về xây dựng ít nhất một mô hình thôn (xóm) NTM thông minh. Hiện nay, nhiều địa phương đang đẩy mạnh xây dựng các thôn, xã hiện đại, thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) xây dựng được phòng họp trực tuyến theo quy định.
Xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) xây dựng được phòng họp trực tuyến theo quy định.

Tiêu chí mô hình thôn thông minh do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể. Hiện nay, chưa có nhiều địa phương ban hành được tiêu chí cụ thể về thôn thông minh, nhưng các địa phương và người dân đều hiểu nôm na đây là mô hình thôn ứng dụng các công nghệ hiện đại, thông minh, tự động vào sản xuất và đời sống.

Thôn, xã thời công nghệ

Ngồi làm việc với chúng tôi tại trụ sở UBND xã, nhưng Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng - xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Kinh Môn (Hải Dương) Trần Văn Tặng vẫn không rời mắt khỏi màn hình chiếc điện thoại thông minh. Anh giải thích, rất nhiều công việc liên quan đến quản lý địa bàn xã hiện nay được thực hiện qua điện thoại, chẳng hạn như việc điều chỉnh hệ thống chiếu sáng. Rồi anh thao tác cho chúng tôi xem, toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng trong xã, từ đèn đường đến đèn chiếu sáng sân vận động, đèn chiếu sáng trụ sở xã... được quản lý qua điện thoại thông minh của Chủ tịch UBND xã.

Anh Tặng nói: Cái này chỉ là ứng dụng công nghệ thôi. Mô hình thôn thông minh thì các anh phải đi với tôi ra thực địa. Rồi anh nhanh nhẹn lái ô-tô chở chúng tôi ra đồng. Chỉ một cú điện thoại của Chủ tịch UBND xã cho người quản lý tưới tiêu cánh đồng thanh long, hàng trăm vòi tưới nước tự động cùng lúc phun nước, tưới cho cánh đồng thanh long rộng mênh mông đang sắp đến vụ. Chủ tịch UBND xã giải thích, đây chỉ là những mô hình bước đầu của nông thôn thông minh. Tới đây, xã còn có nhiều mô hình thông minh hơn nữa, có thế mới đáp ứng tiêu chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Chỉ một cú điện thoại của Chủ tịch UBND xã cho người quản lý tưới tiêu cánh đồng thanh long, hàng trăm vòi tưới nước tự động cùng lúc phun nước, tưới cho cánh đồng thanh long rộng mênh mông đang sắp đến vụ. Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng (Hải Hương) Trần Văn Tặng giải thích, đây chỉ là những mô hình bước đầu của nông thôn thông minh. Tới đây, xã còn có nhiều mô hình thông minh hơn nữa, có thế mới đáp ứng tiêu chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Đến với xóm Lâm Phú, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định), chúng tôi ấn tượng bởi khung cảnh yên bình, khang trang, sạch đẹp và mức độ “số hóa” trong cuộc sống. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm; nhà văn hóa xóm rộng 500m² được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn của người dân; tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ đạt 80%. Nhiều mặt hàng của người dân trong xóm, nhất là cá và rau củ đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua internet, giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Phạm Văn Minh, Trưởng xóm Lâm Phú cho biết: Xóm mới triển khai xây dựng mô hình xóm NTM thông minh được khoảng 5 đến 6 tháng nay, nhưng nhờ sự đồng thuận của người dân, Lâm Phú đã trở thành đơn vị đầu tiên của xã Giao Phong được công nhận xóm NTM thông minh, góp phần giúp xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nhiều địa phương trên cả nước gặp khó khăn trong xây dựng NTM thông minh, khi điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều hộ gia đình chưa đồng đều, ý thức trách nhiệm trong sử dụng mạng internet, camera chưa cao và chưa khai thác được lợi thế của internet trong lao động sản xuất. Đây cũng là thực tế mà nhiều địa phương chưa thể đạt NTM kiểu mẫu.

Tại ba thôn thí điểm xây dựng mô hình NTM thông minh tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), UBND xã cấp cho mỗi hộ dân một mã QR, trong đó tích hợp tất cả các thông tin dân cư, hiện trạng sản xuất, cơ cấu lao động, sơ đồ vườn tược… được kết nối giữa các hộ gia đình với nhau thông qua internet.

Ngoài việc giúp định danh các hộ dân một cách dễ dàng, thông qua mã QR mỗi người dân cũng như cán bộ thôn xóm khi thấy môi trường, đường giao thông, phân loại rác thải… chưa bảo đảm, có thể quay video phản ánh qua phần mềm quản lý để có thể giám sát, đôn đốc lẫn nhau, đồng thời cán bộ thôn, xã có thể nắm bắt và có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, tại thôn Hà Thanh, sau khi đặt tên đường, đánh số nhà cho tất cả các tuyến đường, hộ dân thì việc nhận diện, cập nhật tình hình tại đây đã được số hóa, chỉ cần một thao tác quét mã QR trước cổng thôn, du khách và người dân có thể nhận biết vị trí, thực trạng đời sống của từng gia đình một cách dễ dàng.

Xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) là một trong những xã được UBND tỉnh chọn thí điểm mô hình xã thông minh. Được huyện cấp trang thiết bị, chuyển giao các phần mềm dùng chung, Vinh Hưng áp dụng có hiệu quả 5 phần mềm dùng chung vào hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; 100% văn bản đều được ký số và luân chuyển trên môi trường mạng góp phần xử lý nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, kiểm soát công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; 100% thủ tục hành chính được số hóa và cũng 100% cán bộ, công chức, viên chức đều được trang bị máy vi tính và tương tác công vụ qua môi trường mạng.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh được ngành nông nghiệp, nhiều hợp tác xã triển khai từ một vài năm trở lại đây. Một số hợp tác xã như Thủy Thanh 2, Phú Hồ, Phú Thanh, An Lỗ… đưa giống lúa mới chất lượng cao vào gieo cấy trên cánh đồng lớn, theo hướng hữu cơ, an toàn. Rau quả sạch, hữu cơ, VietGAP tại các huyện Quảng Điền, A Lưới… được canh tác bằng phương thức, công nghệ mới, tiên tiến. Sản phẩm của các hợp tác xã được xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và chứng nhận OCOP, được đưa lên sàn giao dịch điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối với khách hàng.

Đồng bộ các giải pháp

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương, năm 2022, đơn vị đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định; tham mưu, trình Tổ trưởng Tổ công tác ban hành 6 quyết định; trình lãnh đạo Bộ ban hành theo thẩm quyền: một thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình...

Các địa phương cũng đã linh hoạt nhiều giải pháp, trong đó có ứng dụng mạnh mẽ internet trong quản lý, chăm sóc, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bán hàng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại tỉnh Hà Tĩnh, để thực hiện nghị quyết phát triển sản phẩm OCOP, hiện địa phương đã lựa chọn, kết nối 20 hộ gia đình có diện tích đất sản xuất trên 500m2 trong vườn hộ sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ để hướng dẫn, kiểm tra, cập nhật quy trình sản xuất, dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm.

Các địa phương đã linh hoạt nhiều giải pháp, trong đó có ứng dụng mạnh mẽ internet trong quản lý, chăm sóc, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bán hàng.

Ông Nguyễn Viết Sơn, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Hoàng Hà (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà), cho biết, thông qua các dữ liệu kết nối, nhật ký canh tác trực tuyến cung cấp đầy đủ thông tin về các giai đoạn sản xuất, các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, số lần và liều lượng dùng, thời gian cách ly, thu hái… giúp người tiêu dùng có thể so sánh, kiểm chứng giữa thông tin và hình ảnh sản phẩm, góp phần kết nối, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đình Đức, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn quá ít. Một trong những lý do là khâu kết nối chưa tốt.

Trước thực trạng đó, chuyển đổi số được xem là giải pháp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sinh thái, có hiệu quả cao, hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh. Mô hình chuyển đổi số đang được triển khai, nhân rộng nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.

Đáng chú ý là mô hình nông nghiệp an toàn, thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có ứng dụng công nghệ tự động hóa để phân tích, theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu… giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý nhà nước, đồng thời, từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất đối với các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng số hóa, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, từ đó tạo động lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Nỗ lực trong xây dựng NTM thông minh cũng là quyết tâm cao của tỉnh Nam Định. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tập huấn về chuyển đổi số cho các địa phương, phát huy vai trò của “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại cấp xã và thôn xóm, nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, ứng dụng của internet vào đời sống nhân dân tại nông thôn.

Trong mục tiêu gần, Nam Định phấn đấu luỹ kế đến hết năm 2023, có khoảng 184 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; khoảng 20 xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 280 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Muốn đạt mục tiêu đó, trước hết, các địa phương cần phấn đấu đẩy mạnh và hoàn thành tiêu chí nông thôn thông minh.