Xây dựng nông thôn mới ở xã Anh hùng

Phát huy truyền thống anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đồng lòng, quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, từ một xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ngày nay, diện mạo nông thôn mới Trường Long có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao…

Đường về xã nông thôn mới Trường Long được trải nhựa khang trang.
Đường về xã nông thôn mới Trường Long được trải nhựa khang trang.

Trên con đường trải nhựa thẳng tắp về ấp Trường Thuận A, hai bên đường, nhiều ngôi nhà mới xây mọc san sát, xen lẫn với vườn nhãn, vườn dâu xanh mát đã minh chứng sinh động sự đổi thay của vùng quê này. Chứng kiến sự "thay da đổi thịt" trên quê hương mình, bà Trần Thị Vui, 73 tuổi, phấn khởi nói: “Trường Long nay đã phát triển rất nhiều. Đường giao thông, trường học, trạm y tế đều được xây mới kiên cố. Nhà nhà đều có điện, nước sạch sử dụng, dân rất phấn khởi”. Để có tuyến đường đẹp, thuận lợi đi lại, gia đình bà Vui đã hiến hơn 600 m2 đất làm đường, nhiều hộ dân tuyến đường này cũng hiến đất, hoa màu, góp sức cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Xuất phát điểm của Trường Long là xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, diện tích rộng hơn 3.000 ha với 20 ấp, do đó, cơ sở hạ tầng nông thôn của xã nhiều hạn chế, đường giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Xác định xây dựng hạ tầng nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần sớm hoàn thành trước một bước trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, đảng bộ, chính quyền và người dân dành nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn. Trung bình mỗi năm, Trường Long đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho hạ tầng nông thôn, chiếm gần một nửa nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, các tuyến đường liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm, hệ thống thủy lợi được đầu tư thảm nhựa hoặc bê-tông; hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được xây dựng đồng bộ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Chủ tịch UBND xã Trường Long Đỗ Văn Chung khẳng định: “Có được thành quả ngày hôm nay, ngoài đầu tư từ ngân sách cho hạ tầng, phải kể đến sự đóng góp rất nhiều của người dân trong việc hiến đất xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi. Nhiều hộ dân hiến từ vài trăm đến hàng nghìn m2 đất để xây dựng các công trình công cộng vì sự phát triển chung của địa phương. Trong chiến tranh, nhân dân Trường Long không tiếc máu xương chiến đấu giành độc lập tự do. Ngày nay, với truyền thống cách mạng, người dân sẵn sàng góp công sức, của cải cùng chính quyền xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Đây là nét đẹp truyền thống, quý báu của người dân vùng căn cứ cách mạng, của vùng quê anh hùng”.

Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, UBND xã tập trung chỉ đạo, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác. Trường Long đã đẩy mạnh chuyển đổi hơn 540 ha vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phát triển hơn 1.500 ha vườn cây chuyên canh trồng các loại như: nhãn, cam, sầu riêng, vú sữa,… cho thu nhập từ 80 đến 200 triệu đồng/ha. Đối với hơn 1.200 ha đất trồng lúa hai đến ba vụ/năm, xã khuyến khích người dân trồng các loại lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất và ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

Đến nay, Trường Long đã xây dựng được ba hợp tác xã, 19 tổ hợp tác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hợp tác xã làm vườn Trường Thuận 1 chuyên trồng cây ăn trái hoạt động có hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Chủ nhiệm hợp tác xã Trường Thuận 1 Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Hợp tác xã có 16 xã viên, với diện tích hơn 20 ha trồng các loại cây ăn trái đặc sản như: sầu riêng, nhãn, vú sữa, mít… cho thu nhập trung bình hơn 80 triệu đồng/xã viên/năm. Các xã viên ngoài chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm được thuận lợi, còn được quỹ hỗ trợ của hợp tác xã (hiện có hơn 60 triệu đồng) hỗ trợ cho các xã viên trong việc phát triển kinh tế vườn, không phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao, kinh tế phát triển bền vững”.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi hỗ trợ người nghèo về vốn sản xuất, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục… được triển khai đồng bộ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1%/năm. Điểm khác biệt trong công tác xóa đói, giảm nghèo là Trường Long không chạy theo thành tích bằng cách giao chỉ tiêu hộ thoát nghèo cho các ấp mà bình xét hộ thoát nghèo dựa trên cơ sở các tiêu chí hộ nghèo và mức thu nhập, điều kiện kinh tế từng hộ để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Với cách làm này, xã không xảy ra tình trạng hộ tái nghèo, được lãnh đạo các cấp và người dân ủng hộ, đánh giá cao. Hiện, Trường Long còn hơn 200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 5%, giảm 5,7% so lúc bắt đầu xây dựng nông thôn mới.

Đến tháng 12-2015, Trường Long đạt chuẩn nông thôn mới với 20/20 tiêu chí. Trong đó, ngoài 19 tiêu chí theo quy định của Chính phủ, TP Cần Thơ có thêm tiêu chí dịch vụ hành chính công và xã Trường Long chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, đã thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 3, nhằm giảm phiền hà, chờ đợi của người dân khi làm các thủ tục hành chính.