Xây dựng nông thôn mới ở quê hương Đề Thám

Với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Thế (Bắc Giang) gặp nhiều khó khăn. Nhờ quyết tâm cao, cùng sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới tại đây đã đạt được những kết quả tốt.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm hái chè cùng bà con dân bản Ven, huyện Yên Thế.
Du khách trải nghiệm hái chè cùng bà con dân bản Ven, huyện Yên Thế.

Chung tay, góp sức vượt khó

Yên Thế là một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 303km2, giáp các tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn. Nhắc đến Yên Thế là nhắc đến một trong những địa danh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc với cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống lại thực dân Pháp của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám (Đề Thám).

Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là tương đối thấp, bình quân toàn huyện chỉ đạt 5, 6 tiêu chí năm 2010. Đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, trong khi đó số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhiều; mục tiêu của tiêu chí lớn; thời gian để hoàn thành ngắn. Kết cấu hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi, điện, trường, văn hóa... còn bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; nguồn lực địa phương còn nhiều hạn chế, đối ứng, thu nhập của người dân còn thấp. Ban đầu nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về thực hiện chương trình chưa đầy đủ, triển khai chỉ chú trọng đến nội dung cơ sở hạ tầng mà chưa tập trung nhiều về nội dung văn hóa, xã hội, môi trường, phát triển sản xuất. Ngoài ra, việc huy động vốn của các doanh nghiệp, tổ chức trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế; nguồn vốn đối ứng từ ngân sách huyện và xã thực hiện Chương trình còn thấp và gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn là vậy, nhưng ngay từ khi triển khai, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Yên Thế luôn xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đối với các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, là chìa khóa mở ra sự chuyển đổi lớn lao, loại bỏ những tập quán làm ăn lạc hậu, xóa đói nghèo trong nhân dân nên cần phải huy động cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, với phương châm: Dễ làm trước, khó làm sau, từng bước hoàn thành các tiêu chí trong thời gian sớm nhất.

Từ tiếng kẻng hiệu triệu đến sự lan tỏa của mô hình sản xuất mới

Xây dựng nông thôn mới ở quê hương Đề Thám ảnh 1

Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa chuột tại xã Canh Nậu, huyện Yên Thế cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau hơn 10 năm, diện mạo nông thôn huyện Yên Thế đã thay đổi đáng kể; kinh tế-xã hội ở nông thôn phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể của nhân dân được phát huy; an ninh chính trị, trật tự xã hội được tăng cường và bảo đảm; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên. Nhiều thôn, bản, xã khó khăn đã về đích nông thôn mới. Tiêu biểu như bản Đồng Vương, xã Đồng Vương - xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Yên Thế cũng đã cán đích vào cuối năm 2020, sau hơn 2 năm đặt ra mục tiêu.

Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nguyễn Văn Trang, xuất phát chính từ sự thay đổi về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, mà bản đã vượt mục tiêu đề ra. Theo đó, 10 đảng viên trong bản được giao phụ trách từng nhóm hộ, chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay. Đặc biệt, cán bộ, Nhân dân thống nhất khởi động lại tiếng kẻng triệu tập dân bản.

“Tiếng kẻng như một lời hiệu triệu với đồng bào. Mỗi khi có một chủ trương mới, một nội dung cần tập trung thực hiện, Trưởng bản sẽ đánh kẻng và dù đang đi làm rừng hay bận việc gia đình, các hộ đều cử đại diện có mặt và sẵn sàng “xắn tay” tham gia mọi phần việc”, anh Nguyễn Văn Trang chia sẻ.

Hay thôn Tân Vân, xã An Thượng, đã được chọn xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Ban lãnh đạo thôn chủ động tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí đến cán bộ, đảng viên và người dân. Xác định yếu tố cốt lõi của xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu là nâng cao đời sống cho người dân, ban lãnh đạo thôn đã vận động người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, thủy sản hàng hóa mang lại thu nhập cao. Đến nay trong thôn hình thành hai mô hình trồng bưởi Diễn quy mô 2 ha, hàng chục mô hình trồng nhãn, thanh long; 42 hộ chăn nuôi gia cầm, nuôi thủy sản quy mô lớn, cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm, chiếm hơn 27% tổng số hộ trong thôn.

Với lợi thế là vùng núi thấp, có diện tích đất tự nhiên hơn 28.000ha, điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng phù hợp các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, nhiều hộ trồng cam ở xã Đồng Kỳ sản lượng đạt khoảng 15 đến 20 tấn/năm; nhiều hộ gia đình trồng bưởi tại xã Đồng Lạc cho năng suất khoảng 30 tấn quả/năm, trừ chi phí người trồng cũng lãi gần 1 tỷ đồng.

Tại gia đình ông Hoàng Huy Hoằng, thôn Đồng Lân, xã Đồng Kỳ những năm trước đây chủ yếu trồng vải nhưng nguồn thu không cao, ông quyết định chuyển đổi sang trồng cây nhãn Miền Khoái Châu. Sau vài năm nhân rộng đã có hơn 200 gốc nhãn phát triển tốt, mỗi năm cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng. Vừa qua, gia đình ông áp dụng mô hình “Sản xuất nhãn an toàn” do huyện triển khai cho sản lượng đạt khoảng từ 5-6 tấn quả. Mô hình “sản xuất nhãn an toàn” được Ủy ban nhân dân huyện triển khai từ năm 2017, với diện tích 3ha, tại 13 hộ ở thôn Đồng Lân xã Đồng Kỳ. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ 50% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; được tập huấn, chuyển giao quy trình “Sản xuất nhãn an toàn”…

Kết thúc năm 2022, huyện Yên Thế dự kiến đạt chuẩn hai xã nông thôn mới, tám thôn kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 8 xã và 13 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân các xã đạt 15,06/19 tiêu chí.

Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, thời gian tới, huyện Yên thế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân; tiếp tục xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ và quy mô hơn; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa…

Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng tới công tác vệ sinh môi trường, tập trung chỉnh trang nông thôn theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí khó, Ủy ban nhân dân huyện định hướng cho các xã xây dựng lộ trình thực hiện, tiếp tục bố trí vốn, tăng nguồn hỗ trợ từ đấu giá đất; đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn cơ sở nâng cao tiêu chí theo chức năng, chú trọng tiêu chí khó môi trường, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm.