Phát huy nội lực, vươn lên làm giàu
Vượt quãng đường gần 15 km từ trung tâm xã Đắk Pxi (huyện Đắk Hà), chúng tôi đến thăm anh A Điện, giáo dân tiêu biểu của thôn Krông Đuân.
Từ xa, nơi ở của gia đình A Điện trông như một trang trại khép kín với hệ thống chuồng trại chăn nuôi, vườn rau xanh mướt và dòng mương nước chảy quanh năm.
Khá cởi mở, A Điện kể về hành trình khởi nghiệp của mình. Trước đây, anh ít tập trung vào phát triển kinh tế.
Đến năm 2017, những cánh rừng đầu nguồn bắt đầu được quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn, việc đi săn, bẫy con thú rừng do vậy không còn dễ dàng như trước.
Mặt khác, khi các con đến tuổi ăn học, anh không đành lòng nhìn thấy chúng phải thiếu cái ăn, cái mặc.
“Nếu mình không làm, cứ trông chờ Nhà nước hỗ trợ thì không biết đến bao giờ mới khá lên được, nên mình quyết tâm thay đổi. Từ suy nghĩ đó, mình phải càng quyết tâm đầu tư chăm sóc vườn cây”, A Điện tâm sự.
A Điện trở thành người đầu tiên trong thôn chuyển đổi diện tích đất rẫy bạc màu trồng sắn qua trồng cây cà-phê. Anh còn đi tìm hiểu, học hỏi quy trình chăm sóc, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư.
Đến năm thứ 5, vườn cà-phê của A Điện bắt đầu cho thu hoạch với năng suất ổn định hơn 20 kg quả tươi trên một cây. Cuộc sống không chỉ bớt khó khăn mà còn khởi sắc, A Điện mạnh dạn làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Đến nay, ngoài diện tích cà-phê, cao-su, lúa nước, gia đình A Điện có ba con bò sinh sản, duy trì chăn nuôi hơn 20 con dê, 10 con heo sọc dưa, hàng trăm con gia cầm... mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Từ hiệu quả mang lại, Ủy ban nhân dân xã Đắk Pxi đã hỗ trợ thêm cho A Điện về nguồn vốn sinh kế từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng để anh đầu tư vào trồng xen cây ăn trái và làm chuồng trại chăn nuôi; đồng thời xây dựng mô hình điểm để người dân trong thôn đến tham quan, học hỏi để làm theo.
Theo đồng chí U Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Đắk Pxi là xã xa xôi nhất của huyện Đắk Hà, với hơn 95% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người theo đạo Công giáo.
Những năm trước đây, hầu hết người dân làm rẫy nhưng vì tập quán canh tác lạc hậu nên đất bị bạc màu, hiệu quả kinh tế không cao.
Những năm gần đây, với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước, của địa phương, cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ hơn đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững.
“Người dân vùng có đạo không còn trông chờ ỷ lại như trước kia mà đã chủ động học hỏi kinh nghiệm, vươn lên phát triển kinh tế, đời sống được cải thiện đáng kể. Hiện xã đạt 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ đạt 19 tiêu chí nông thôn mới theo đúng kế hoạch”, đồng chí U Lý chia sẻ.
Chú trọng đời sống tinh thần
Nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Đắk Hà, huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum, giáo xứ Kon Bơ Băn (thôn Kon Bơ Băn, xã Ngọk Réo) vốn là căn cứ kháng chiến thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Giáo xứ có hơn 250 hộ dân với 1.780 nhân khẩu là đồng bào theo đạo Công giáo đang sinh sống.
Dưới đôi bàn tay chăm chút của cán bộ, nhân dân trong thôn, bộ mặt khu dân cư, nằm dọc tuyến Tỉnh lộ 671, như khoác lên mình màu áo mới, khang trang, trở thành vùng quê yên bình, đáng sống giữa trùng điệp núi rừng.
Vừa nhanh tay chẻ những thân cây tre cho kịp để các đoàn viên thanh niên rào vườn, làm các lồng hoa tại nhà rông, chị Y Khải, trưởng thôn cho hay, từ khi Nhà nước triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống điện-đường-trường-trạm được đầu tư đồng bộ hơn.
Nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ sinh kế như các dự án: Hỗ trợ phát triển cao-su tiểu điền; hỗ trợ trồng cây cà-phê; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi... giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả.
“Từ hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, người dân không còn lo lắng về miếng cơm, manh áo hằng ngày như trước. Việc triển khai các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương trở nên thuận tiện và có tính khả thi hơn”, chị Y Khải phấn khởi nói.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọk Réo Phạm Thị Mây cho biết thêm, xã hiện có bảy thôn, với 1.179 hộ, trong đó có hơn 98% số hộ dân là người dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo.
Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, từ các phong trào cụ thể với sự tham gia trực tiếp của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo từng lĩnh vực phân công phụ trách các phong trào thi đua, đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống hằng ngày của người đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo trên địa bàn xã.
Đến nay, xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có hai thôn đạt cả 10 tiêu chí thôn (làng) dân tộc thiểu số nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 24% so với tổng số hộ toàn xã.
“Điều đáng mừng là bên cạnh các tiêu chí khung như kết cấu hạ tầng, cơ cấu kinh tế-xã hội... đã được hoàn thiện và giữ vững, hiện toàn xã có hơn 880 hộ đã xây dựng hàng rào xanh, trồng hoa giấy để tạo cảnh quan môi trường khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp. Sự đồng thuận, đoàn kết của người dân là cơ sở quan trọng để xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết.