Nằm ven sông Hồng, cách xa trung tâm thành phố, lại không phải là nơi có những trục đường giao thông lớn đi qua, nhưng xã Hồng Hà vừa mới được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Về Hồng Hà hôm nay, không ai nhận ra vùng đất khó khăn ven sông những năm về trước. Hồng Hà có 250,5 ha đất nông nghiệp.
Huyện đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, Hồng Hà trở thành vùng sản xuất chuối có tiếng của Hà Nội với gần 140 ha chuối hàng hóa. Ngoài ra, Hồng Hà có 34,8 ha trồng đào, quất cảnh; 32 ha trồng rau. Diện tích trồng lúa chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu nông nghiệp nói chung.
Để người dân đồng thuận chuyển đổi sản xuất, huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức canh tác cho nhân dân kết hợp với tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích thiết thực của các giống cây, con mới.
Bên cạnh đó, chính quyền khuyến khích, tạo điều kiện để hàng trăm hộ dân trên địa bàn phát triển nghề làm đậu phụ. Hồng Hà cũng tổ chức các lớp dạy nghề để người dân có thể chuyển sang phát triển các loại hình kinh tế thương mại, dịch vụ…
Đời sống kinh tế đi lên, việc huy động nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng trở nên thuận lợi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Nhờ kinh tế phát triển, đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 76,3 triệu đồng.
Từ năm 2020 đến hết năm 2023, Hồng Hà đã huy động hơn 58 tỷ đồng từ ngân sách huyện, xã và xã hội hóa cho xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng của xã đã được đầu tư đồng bộ. Toàn bộ chín cụm dân cư có nhà văn hóa khang trang, ba trường học đều đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế xã được trang bị đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc phục vụ cấp cứu, khám bảo hiểm y tế, bệnh không lây nhiễm theo quy định… Năm 2023, xã Hồng Hà đạt chuẩn nông thôn mới trên lĩnh vực: y tế, giáo dục và đào tạo.
Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, năm 2022, 15 xã của Đan Phượng tiếp tục được công nhận nông thôn mới nâng cao. Huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, 12/15 xã của huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chí phát triển đô thị. Nhiều địa bàn như: xã Đan Phượng, xã Liên Hà, xã Thượng Mỗ… đều đạt từ ba tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trở lên…
Một trong những bí quyết của Đan Phượng là lựa chọn hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa bàn;, xây dựng những mô hình điểm và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, tổng số diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên toàn huyện đạt 1.618,89 ha/3.600 ha trong đó có 140 ha trồng rau, cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Các xã Phương Đình, Đan Phượng phát triển cây nho hạ đen; các xã Hồng Hà, Hạ Mỗ phát triển nghề làm đậu phụ; xã Trung Châu có thương hiệu lợn sạch… Hiện trên toàn huyện có tám nhãn hiệu nông sản tập thể được công nhận.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi an toàn, chuồng trại khép kín, thông gió trong chăn nuôi lợn; hệ thống làm mát tự động, máy ăn tự động, máy vắt sữa tự động trong chăn nuôi bò sữa; thực hiện đầy đủ các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh…
Nhiều xã có mức thu nhập bình quân đầu người cao như: Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/người/năm, Tân Lập 82 triệu đồng/người/năm, Đồng Tháp 76,3 triệu đồng/người/năm… Hiện nay, ba xã: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An của Đan Phượng cũng gấp rút hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023.
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Đan Phượng là địa bàn rất chú trọng đến cải tạo cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Thị Hiền, hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Cuộc thi được phát động đến cơ sở và 100% các thôn, tổ dân phố tham gia.
Điểm khác biệt của Đan Phượng so với các địa phương khác là huyện tổ chức đoàn khảo sát, chấm thi theo từng tháng; đồng thời, có phần thưởng động viên, khuyến khích các địa bàn thực hiện tốt.
Điều này giúp các thôn, tổ dân phố duy trì tốt phong trào giữ gìn cảnh quan môi trường qua các năm. Năm 2023, Đan Phượng cũng “đi trước một bước” trong xây dựng “Nông thôn số” bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số tới cơ sở. Dự kiến, 100% thôn trên địa bàn sẽ trở thành “Thôn thông minh” trong năm 2023. Với những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng chuyển mình thành một “vùng quê đáng sống”.