Nhân lực, chìa khóa phát triển bền vững hợp tác xã

Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024 với chủ đề xuyên suốt “Vì sự phát triển bền vững của hợp tác xã” sẽ diễn ra từ ngày 29/3 - 29/4. Yếu tố con người có vai trò trung tâm trong phát triển hiệu quả các mô hình hợp tác hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Khu giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã tại triển lãm nông nghiệp. Ảnh: NAM ANH
Khu giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã tại triển lãm nông nghiệp. Ảnh: NAM ANH

Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến 31/12/2023, cả nước có 31.364 hợp tác xã, trong đó có 20.710 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 66,03%. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng trong nền kinh tế với khoảng 7,05 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn và 2,58 triệu lao động. Tổng vốn điều lệ 60,069 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,915 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 194,332 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,196 tỷ đồng/hợp tác xã (tăng 2,8%). Doanh thu của hợp tác xã tăng bình quân 5,1% so năm 2022; thu nhập của thành viên hợp tác xã nông nghiệp tăng 3-7%; hợp tác xã phi nông nghiệp tăng 2,1-7,5% so cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động, tính bền vững của các mô hình hợp tác xã ở nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này có nguyên nhân không nhỏ do đội ngũ nhân lực của hợp tác xã còn nhiều hạn chế.

Số lượng chưa đi kèm với chất lượng

Xác định tầm quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, năm 2023, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 với mục tiêu “Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác”. Theo đó, cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đã từng bước được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực hợp tác xã tập trung vào các chính sách về tài chính trong đào tạo, bồi dưỡng… được thể hiện chi tiết qua Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ.

TS Nguyễn Viết Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Bắc Bộ đánh giá, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Các hợp tác xã luôn thiếu nguồn nhân lực quản lý có trình độ, năng lực và lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ sơ cấp, trung cấp chỉ chiếm 36%; trình độ cao đẳng, đại học chiếm 23%. Riêng cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp cả nước có tới 44% chưa qua đào tạo, 40% có trình độ trung cấp, sơ cấp và chỉ có 16% tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học. Nếu xét riêng chức danh giám đốc hợp tác xã nông nghiệp thì cả nước có tới 32% giám đốc hợp tác xã nông nghiệp chưa qua đào tạo.

TS Võ Thị Kim Sa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn cho rằng, các hợp tác xã trong khu vực nông nghiệp tuy về số lượng chiếm tỷ trọng cao, nguồn vốn lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn so với các hợp tác xã khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. “Việc quản lý chủ yếu dựa trên kinh nghiệm tích lũy qua thực tế, năng lực quản trị, điều hành còn hạn chế, thiếu nhạy bén với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cơ chế thị trường, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là yếu tố cản trở sự phát triển hiệu quả, bền vững của các mô hình hợp tác xã nông nghiệp”.

Đào tạo nhân lực để chuyên nghiệp hóa hợp tác xã

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 20 là đến năm 2045 “Phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế công nhận”. TS Võ Thị Kim Sa cho rằng, nguồn nhân lực đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển, tạo ra lợi thế cạnh tranh, xác định hướng đi, gây dựng và truyền cảm hứng cho đội ngũ kế thừa, bằng sức mạnh đoàn kết, trách nhiệm xã hội của đông đảo thành viên hợp tác xã.

Ở tỉnh Thái Nguyên, thực tế tại các mô hình hợp tác xã từ năm 2018 - 2020 cho thấy, chính sách thu hút lao động trẻ về làm việc có yêu cầu tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên, tuổi đời không quá 40 tuổi, định mức là 1 lần lương tối thiểu vùng. Đến giai đoạn 2022 - 2025, ngoài yêu cầu về bằng cấp thì độ tuổi của lao động trẻ không quá 35 tuổi, bổ sung quy định ngoài mức lương hợp tác xã chi trả cho người lao động, ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm với định mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Thái Nguyên cho biết: “Cùng với nhiều chính sách khác, đội ngũ nhân lực trong các tổ chức kinh tế tập thể tại địa phương đã được nâng cao rõ rệt. Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động, các mô hình này còn mở rộng quy mô đáng kể”. Lợi nhuận bình quân các hợp tác xã đã tăng từ 95,63 triệu đồng/đơn vị lên 108,11 triệu đồng/đơn vị (tăng 21,87%); thu nhập người lao động đã tăng từ 46,97 triệu đồng/năm lên 63,53 triệu đồng/năm (tăng 13,05%).

Theo các chuyên gia, công tác đào tạo nhân lực cho các hợp tác xã cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới. TS Võ Thị Kim Sa góp ý, trong môi trường toàn cầu biến động nhanh, linh hoạt động và tính cạnh tranh cao hiện nay, người cầm lái “con thuyền hợp tác xã” trên thương trường đòi hỏi phải am hiểu kiến thức, thuần thục kỹ năng, linh động và nhạy bén trong kinh doanh: Thứ nhất là hoạch định chiến lược kinh doanh đúng hướng thể hiện ở sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược của hợp tác xã. Thứ hai là tư duy sáng tạo đổi mới. Thứ ba là năng lực quản trị sản xuất. Thứ tư là năng lực lựa chọn công nghệ, quy trình sản xuất - kinh doanh phù hợp. Thứ năm là cần có năng lực liên kết và hợp tác.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định, cần nhất hiện nay là đào tạo đội ngũ những người tư vấn cho hợp tác xã, phải có sự am hiểu rất rõ về triết lý, tôn chỉ hoạt động của hợp tác xã, am hiểu về thương trình, lĩnh vực kinh doanh… Ngoài ra là vấn đề đào tạo đội ngũ chức danh cho hợp tác xã (chủ tịch, giám đốc, kế toán, kiểm soát viên) và quan trọng nhất là thành viên của hợp tác xã.

“Sắp tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng với các đơn vị, tổ chức, đặc biệt là các đơn vị đào tạo nghề sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động đào tạo nhân lực góp phần tăng tính chuyên nghiệp cho các mô hình hợp tác xã”, bà Vân khẳng định.

Theo TS Võ Thị Kim Sa, các chương trình nâng cao năng lực cho hợp tác xã cần chú trọng năng lực lãnh đạo và kỹ năng “nuôi dưỡng tinh thần hợp tác”. Một đặc trưng riêng biệt của hợp tác xã, mà không có ở bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào, là lực lượng đông đảo thành viên vừa là những người đồng sở hữu hợp tác xã, vừa là những người khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của hợp tác xã.