Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại

NDO -

Ngày 18/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành được tổ chức trọng thể với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại”. 

Toàn cảnh Phiên toàn thể về công tác xây dựng ngành ngoại giao. (Ảnh: Duy Linh)
Toàn cảnh Phiên toàn thể về công tác xây dựng ngành ngoại giao. (Ảnh: Duy Linh)

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tham dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh, Phiên họp toàn thể lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành ngoại giao bởi xây dựng và phát triển ngành ngoại giao luôn là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của ngành ngoại giao trên mặt trận đối ngoại. Trên tinh thần bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, từ những kết quả, kinh nghiệm, bài học trong thời gian qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất một số vấn đề thảo luận.

Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại -0
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Phiên họp. (Ảnh: Duy Linh) 

Thứ nhất, tính toàn diện của ngoại giao Việt Nam trước hết thể hiện ở chủ thể thực hiện, bao gồm không chỉ Bộ Ngoại giao, mà cả các bộ, ngành liên quan; trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội; với tất cả đối tác, địa bàn và khu vực.

Thứ hai, tính hiện đại của ngoại giao Việt Nam thể hiện ở sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống, bản sắc ngoại giao của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng ta qua các thời kỳ và tinh hoa ngoại giao thời đại; ở vận hành ngành ngoại giao trong khuôn khổ thể chế ngày càng hoàn thiện; ở tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, hiệu quả với phương thức hoạt động khoa học, chuẩn hóa và số hóa, có năng lực đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng với chuyển biến mau lẹ của tình hình.

Thứ ba, vấn đề then chốt là đội ngũ cán bộ, bởi cán bộ là cái gốc của mọi việc, thành hay bại đều do cán bộ. Nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại đặt ra yêu cầu rất cao về xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ; hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách và phương pháp làm việc, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành ngoại giao có một số tham luận quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao trong những năm qua trong các lĩnh vực hợp tác quốc tế quan trọng như môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, khoa học công nghệ...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, ngay sau Hội nghị đối ngoại toàn quốc đã nêu rõ đường lối, phương hướng, nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp nhằm xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, tiên phong, hiện đại.

Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại -0
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Khẳng định nền ngoại giao hiện đại được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy ngoại giao truyền thống, một điểm mới được Phó Thủ tướng nhắc đến, đó là, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức ngoại giao trực tuyến đã được triển khai mạnh mẽ nhằm duy trì các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao thông qua công nghệ số.

Phó Thủ tướng nêu rõ, xây dựng nền ngoại giao hiện đại cần sử dụng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có ngoại giao số để bắt kịp xu thế toàn cầu, áp dụng công nghệ, khoa học… Đồng chí nhấn mạnh một số định hướng như sau:

Một là, nền ngoại giao “toàn diện” phải phát huy được vai trò, vị thế của Việt Nam trên những lĩnh vực truyền thống và cả những lĩnh vực mới nổi lên, phải cải tiến phương thức hoạt động hiệu quả hơn và huy động được sự tham gia thiết thực của nhiều chủ thể hơn nữa.

Hai là, ngành ngoại giao, với vai trò là lực lượng nòng cốt của ngoại giao Nhà nước, phải phát huy được vai trò khai phá, mở đường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Ba là, Đảng yêu cầu cần phải đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tăng cường tham mưu về các xu thế phát triển lớn của thế giới, phát huy tối đa vai trò tìm kiếm những nguồn lực từ bên ngoài, là cầu nối gắn kết những xu thế phát triển và nguồn lực đó với những kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội trong nước...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề như phải sớm xác định nội hàm ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, có định hướng gắn kết, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hội nhập quốc tế hiệu quả, tranh thủ cơ hội, góp phần thiết thực phát triển kinh tế-xã hội. Bản sắc, văn hóa ngành ngoại giao cần được nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, phổ biến, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống nổi bật của ngành để đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác đối ngoại nói riêng và sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước nói chung.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, thí điểm những mô hình sáng tạo, đột phá về tổ chức bộ máy, con người phù hợp với yêu cầu đặc thù của công tác đối ngoại và thông lệ quốc tế. Rà soát, kiến nghị những cơ chế tài chính mới để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đối ngoại thời gian tới...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Ngoại giao, tin tưởng rằng với tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung của đất nước, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục có những đề xuất, cải tiến mới để tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có vai trò, vị thế cao trên trường quốc tế.

Sau 9 phiên họp khẩn trương, thực chất và hiệu quả, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đã thành công tốt đẹp. Hội nghị đã quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối, phương hướng, phương châm, các biện pháp đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và những chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc. Hội nghị cũng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và ngày 20/12 tới là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động với các biện pháp, phương hướng cụ thể, như tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, trên tinh thần ngoại giao tâm công, từ trái tim đến trái tim, tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển, như đồng chí Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Triển khai hiệu quả Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; thúc đẩy luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục đẩy mạnh tham mưu về các biện pháp phòng, chống dịch, mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế; thu hút các dự án hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Sớm nghiên cứu, triển khai các hướng đi mới, cách làm mới như ngoại giao số, ngoại giao về biến đổi khí hậu...

Bộ Ngoại giao tin tưởng, với nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành ngoại giao, sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ban, ngành và địa phương, ngành ngoại giao sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra cho thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.