Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chủ trì.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp tổ chức thường niên. Lần thứ nhất vào tháng 6/2017, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai vào tháng 1/2018, Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ ba vào tháng 1/2019 và đây là lần thứ tư. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam luôn gây được tiếng vang lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và quốc tế và được đánh giá là Diễn đàn Kinh tế hàng đầu của Việt Nam, có tầm khu vực và quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh bình thường mới.
Dự kiến khoảng 1.000 lượt đại biểu tham dự diễn đàn, bao gồm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; một số đại sứ quán, lãnh sự quán và tổ chức quốc tế; các diễn giả, nhà khoa học uy tín và các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ Diễn đàn bao gồm 1 Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao và 3 hội thảo chuyên đề.
Trong đó, buổi sáng 5/6 sẽ diễn ra song song 3 phiên hội thảo chuyên đề. Hội thảo chuyên đề 1: “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19” thảo luận về các vấn đề: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập và những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; hoàn thiện pháp luật có liên quan phù hợp Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19; kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19; vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội nhằm phát triển đồng bộ thị trường lao động sau đại dịch Covid-19; bài học về Quản lý lao động qua đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” thảo luận về các nội dụng như: Xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam; phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay - Kiến nghị và đề xuất giải pháp; giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam; xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.
Hội thảo chuyên đề 3: “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, tập trung thảo luận các vấn đề như: Sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng toàn cầu: Những thách thức, yêu cầu mới đặt ra và hàm ý cho Việt Nam; định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; kinh nghiệm của Australia về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; đẩy mạnh số hóa chuỗi cung ứng trong tình hình mới: Yêu cầu, thực tiễn và vấn đề đặt ra cho Việt Nam; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp: Trường hợp của Tập đoàn Lộc Trời.
Phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận các nội dung như: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới...
Đặc biệt, tại Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao có sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế với nhiều nội dung mang tính thời sự, đang được dư luận quan tâm liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.