Xây dựng môi trường học đường thân thiện, không bạo lực, tệ nạn

Ngày 29/3, Công an thành phố Cần Thơ và Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết Quy chế phối hợp giữa hai bên, đồng thời triển khai mô hình "Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn và không bạo lực học đường”.

0:00 / 0:00
0:00
Công an và Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ ký kết quy chế phối hợp.
Công an và Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ ký kết quy chế phối hợp.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2016 đến năm 2023, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 13 vụ bạo lực học đường; 8 vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục (trộm cắp tài sản, mang hung khí nguy hiểm vào lớp học, sử dụng mạng xã hội để hăm dọa …).

Các vụ bạo lực học đường xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ, bình thường trong giao tiếp, sinh hoạt, trong học tập hoặc bất đồng quan điểm trên mạng xã hội rồi bộc phát thành những mâu thuẫn lớn,...

Để thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp và mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn và không bạo lực học đường”, ngành giáo dục thành phố Cần Thơ yêu cầu nhà trường, giáo viên thực hiện tốt công tác nắm tình hình học sinh để kịp thời phát hiện, căn ngăn, giáo dục các hành vi lệch lạc, các mâu thuẫn phát sinh có nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường.

Cùng với đó, lắp đặt hệ thống camera an ninh chung quanh trường học phục vụ công tác bảo vệ cơ quan, đơn vị, phòng chống tội phạm và phòng ngừa bạo lực học đường. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về các kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Xây dựng môi trường học đường thân thiện, không bạo lực, tệ nạn ảnh 1

Các đại biểu tham dự lễ ký kết.

Công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn tăng cường tuần tra trước cổng trường để phân luồng giao thông, đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường ngoài khuôn viên trường học.

Chủ động nắm, ngăn chặn kịp thời các đối tượng ngoài xã hội có biểu hiện gây rối, uy hiếp tinh thần, sức khỏe hoặc dụ dỗ, lôi kéo các em thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đưa chất cấm (rượu, bia, thuốc lá, ma túy…) vào trường học.

Rà soát các hội, nhóm trên không gian mạng có xu hướng kích động, lôi kéo các em học sinh tham gia các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn…

Khi xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, cha mẹ học sinh cần chủ động phối hợp nhà trường, Công an để có biện pháp giải quyết phù hợp, tránh trường hợp khi xảy ra vụ việc cha mẹ tụ tập, lôi kéo người thân đến để hăm dọa, trả thù các em… làm phức tạp thêm tình tình.