Ủy ban nhân dân thành phố vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; các tổ chức, đoàn thể; Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) thành phố tiếp tục thực hiện chương trình giảm sử dụng túi ni-lông và triển khai phong trào chống rác thải nhựa. Theo đó, đến ngày 31-12-2020, 100% các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… tại thành phố phải chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó hoặc không phân hủy. Đối với trường hợp tiểu thương tại các chợ dân sinh, phải giảm sử dụng 50% lượng túi ni-lông khó phân hủy trong việc đựng sản phẩm cho khách hàng. Các quận, huyện phối hợp các tổ chức đoàn thể và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình, điểm thu gom rác thải, sản phẩm nhựa đã qua sử dụng trong cộng đồng để trao đổi lấy quà hoặc các sản phẩm tiêu dùng. Những mô hình này gắn với các hoạt động tuyên truyền để tăng hiệu quả thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, khả năng tái chế rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Chủ trương hạn chế sử dụng túi ni-lông đã được thành phố đưa ra vận động từ năm 2014 khi ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni-lông... Cuối năm 2016, Sở Công thương thành phố đã tổ chức sự kiện các siêu thị, trung tâm thương mại cam kết giảm sử dụng túi ni-lông. Tháng 3-2017, UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị ban hành quy định cấm phát miễn phí túi ni-lông. Đầu tháng 4 vừa qua, UBND thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan triển khai mạnh chương trình “Chống rác thải nhựa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
Một trong những giải pháp mà các chuyên gia môi trường cho là khả thi nhất để mọi người bỏ thói quen dùng túi ni-lông như hiện nay, là dùng công cụ thuế. Theo số liệu của Cục Hải quan thành phố, thuế bảo vệ môi trường thu được trong năm 2019, túi ni-lông cũng chỉ góp khoảng 9% tổng thu của thành phố. Cả cơ quan thuế và cơ quan hải quan đều cho rằng, cần phải xem xét lại mức thu thuế đối với DN sản xuất mặt hàng túi ni-lông, lẫn mức thuế phải nộp tính trên đơn vị ký (kg) đang được áp dụng, nếu không muốn môi trường tràn ngập túi ni-lông. Theo cơ quan hải quan, túi ni-lông là mặt hàng không thiết yếu và gây ảnh hưởng môi trường rất lớn, do đó cần xem xét tăng mạnh mức thuế với túi ni-lông thay vì áp mức 40.000 đồng/kg như hiện nay. Cơ quan thuế cũng cho rằng, đã có rất nhiều vướng mắc liên quan việc nhận diện, định danh túi ni-lông cho đối tượng chịu thuế. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Nguyễn Nam Bình, việc quy định túi ni-lông với tên gọi kỹ thuật là “túi xốp nhựa” cũng chưa bảo đảm đúng tên kỹ thuật của loại túi này. Và khi không được gọi tên đúng, việc định danh lẫn định tính để thu được đúng thuế cho một sản phẩm cụ thể cũng trở nên khó khăn. Với mức thu 40.000 đồng/kg đối với túi ni-lông theo quy định, tính ra chỉ có từ 200 đến 400 đồng/túi, rất thấp so với các nước, cho nên khó để hướng đến mục tiêu hạn chế việc sử dụng túi ni-lông. Tuy nhiên, theo đại diện của một công ty sản xuất bao bì, ngay cả khi cơ quan thuế muốn tăng mức thu lên 50.000 đồng/kg hoặc mức cao nhất 200.000 đồng/kg đối với túi ni-lông, vấn đề mà các DN quan tâm là phải bình đẳng, công bằng và minh bạch đối với tất cả các loại hình DN sản xuất túi ni-lông hiện nay. Trên thực tế, bên cạnh những DN khai báo, nộp thuế đầy đủ, vẫn tồn tại nhiều cơ sở tự sản xuất và cung ứng ra thị trường một số lượng rất lớn túi ni-lông nhưng cơ quan thuế chưa thu được thuế.
Ở Việt Nam, lượng túi ni-lông được tiêu thụ trung bình khoảng từ 10,48 đến 52,4 tấn/ngày, riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi ni-lông được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là hơn 41 kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8 kg/người/năm. Đại diện Bộ Công thương cho biết, với đặc điểm có giá thành sản xuất rẻ và tiện lợi đựng bất cứ thứ gì có thể, túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống... Riêng ở thành phố, mỗi ngày có khoảng 30 tấn ni-lông được sử dụng tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, chưa kể tại các hộ dân. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết: Trong kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đặt mục tiêu giảm 65% lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% lượng túi-ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh; thu gom và tái chế 50% lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn. Đó là, tỷ lệ người dân và tiểu thương tự giác tham gia việc giảm sử dụng túi ni-lông chưa cao, còn tập trung thực hiện theo phong trào. Túi ni-lông thân thiện môi trường có giá thành cao hơn túi ni-lông khó phân hủy cho nên các tiểu thương vẫn chuộng sử dụng túi ni-lông khó phân hủy hơn. Do đó, cần tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân; hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống… trong việc bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và tương lai của các thế hệ sau này.