Xây dựng mô hình giáo dục đại học công lập hiện đại

Trong thời đại kết nối toàn cầu, cần có hệ thống các trường đại học công lập năng động để phát triển nguồn nhân lực, năng lực tư duy phản biện và kiến thức tiên tiến. Nhờ đó, một quốc gia có thể nâng cao khả năng thành công hội nhập nền kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững. Đây là nhận định của các chuyên gia khi bàn về đổi mới giáo dục đại học công lập trước bối cảnh mới.
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 237 trường đại học (chưa bao gồm các trường, học viện thuộc khối An ninh, Quốc phòng), trong đó có 172 trường công lập và 65 trường ngoài công lập. Với số lượng này, các trường đại học đáp ứng tương đối nhu cầu học tập của người dân, tuy nhiên tỷ lệ người học của Việt Nam tiếp cận với giáo dục đại học ở mức dưới 30%, là một trong những quốc gia có người học tiếp cận với giáo dục đại học thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Với mục tiêu của giáo dục đại học là phát triển, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước, thực trạng này đang cho thấy tính thiếu tương xứng giữa cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo đại học với định hướng phát triển nền kinh tế tri thức của quốc gia. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học công lập phải phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình trong việc thực hiện các mục tiêu của Nhà nước, đào tạo tìm kiếm nhân tài cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Trước sự phát triển của nền kinh tế tri thức thì vai trò của giáo dục, nhất là giáo dục đại học lại càng mang tính chất quyết định hơn bao giờ hết đến tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Trước bối cảnh này, Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các chính sách giáo dục, nâng cao hiệu quả quản trị đại học để nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng yêu cầu phát triển của quốc gia. Do đó, các trường đại học công lập đảm nhận trách nhiệm quốc gia trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Ngoài ra, đây còn là nơi đào tạo để cung cấp nguồn lao động có kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế, từ đó định hình chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển để phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Các trường đại học công lập tại các vùng kinh tế trọng điểm luôn thể hiện vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xã hội về trí tuệ khi cung ứng đội ngũ lao động có đủ năng lực thực hành nghề nghiệp, giải quyết những vấn đề của vùng, khu vực và phát huy thế mạnh để đóng góp vào quy mô phát triển, nâng cao GDP.

Quan trọng hơn, khác với các trường đại học tư thục, trường đại học công lập, nhất là các Đại học Quốc gia có sứ mệnh duy trì và tiếp tục phát triển đào tạo các ngành, chuyên ngành học mà ít có người học lựa chọn nhằm đáp ứng sứ mệnh, nhiệm vụ và yêu cầu cho sự nghiệp phát triển của quốc gia. Các trường đại học công lập duy trì đào tạo các ngành khoa học cơ bản, cần thiết cho sự phát triển khoa học của Việt Nam nhưng ít người học, các ngành khó tuyển sinh trình độ đại học cũng phải tiếp tục duy trì để phát triển trong những nhiệm vụ đào tạo trình độ cao hơn... Đây là một trong những nhiệm vụ “cao cả” mà các trường đại học công lập đã và phải duy trì thực hiện với những nhiệm vụ, trọng trách và sứ mạng của mình.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giáo dục đại học công lập đang gặp những thách thức, đó là: Các trường đại học công lập đang gặp thách thức trong việc thu giữ đội ngũ giảng viên giỏi, nhất là khi các trường đại học tư thục có chế độ, chính sách ưu đãi đa dạng và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh giữa các trường đại học công lập với các cơ sở giáo dục tư thục cùng với chính sách mở cửa nền kinh tế đã thu hút nhiều tổ chức tư thục đầu tư vào giáo dục. Chính vì thế, người học có nhiều cơ hội lựa chọn hơn ngoài hệ thống các trường đại học công lập.

Điều này làm ảnh hưởng đến số lượng sinh viên theo học tại trường và tác động đến tính thiếu chắc chắn trong hoạt động đào tạo tại các trường đại học công lập. Ở một số trường công lập, cơ chế hoạt động và một số chế độ, chính sách không còn phù hợp, đòi hỏi lãnh đạo và các bên liên quan phải tiến hành hiện đại hóa cơ chế quản lý, cơ cấu tổ chức. Phát triển chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu của xã hội... Theo Giáo sư Dennis Cromwell, Đại học Indiana (Hoa Kỳ), với sự phát triển của công nghệ 4.0, các trường đại học công lập cần chú trọng đến chuyển đổi số.

Có bốn lý do để thực hiện chuyển đổi số, đó là: Tăng cường dạy và học-phương pháp sư phạm đổi mới để thu hút nhiều hơn các đối tượng người học ngày càng đa dạng; cải thiện sự thành công của người học-cải thiện trải nghiệm nhằm tăng khả năng giữ chân họ và đạt được mục tiêu học tập; tăng cường nghiên cứu-mang lại khả năng tiếp cận công nghệ số để hỗ trợ nhiều chức năng nghiên cứu; hợp lý hóa quản trị-tạo ra hiệu quả trong các hoạt động cho phép tổ chức mở rộng quy mô nhưng vẫn duy trì được kinh nghiệm cấu thành vững chắc.

Để xây dựng được mô hình giáo dục đại học hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các chuyên gia nhấn mạnh, các trường đại học công lập cần đổi mới một cách mạnh mẽ dựa trên bốn trụ cột: Đổi mới quản trị; nâng cao chất lượng dạy và học; nâng cao năng lực nghiên cứu; tăng cường kết nối đại học-doanh nghiệp. Đây là những trụ cột mang tính bền vững để các trường đại học công lập thực hiện sứ mệnh của mình đối với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.