Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, cả ASEAN và Trung Quốc đều nhận thấy cần có một bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh hành vi của các bên liên quan. Trên cơ sở đó, năm 2000, ASEAN và Trung Quốc chính thức khởi động tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong quá trình đàm phán COC, ASEAN và Trung Quốc nhất trí trước mắt thông qua DOC nhằm tạo cơ sở cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. DOC là văn kiện chính trị đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và cũng là nền tảng để hai bên tiếp tục tiến trình đàm phán COC.
Mục đích của DOC được nêu ngay trong phần mở đầu là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tranh chấp ở Biển Đông, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. DOC khẳng định lại các cam kết của các bên ký kết về việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn kiện Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), cùng những cam kết về các hành vi được khuyến khích và cần kiềm chế tại Biển Đông.
DOC là cơ sở để viện dẫn, soi chiếu, đánh giá tính hợp pháp, chính đáng trong hành vi của các bên liên quan theo các cam kết đã đưa ra. Thực thi DOC góp phần củng cố và xây dựng lòng tin giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Trong 20 năm qua, các bên tham gia ký kết luôn khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của DOC đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực, cũng như việc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Điều này tiếp tục được lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định trong Tuyên bố kỷ niệm 20 năm DOC tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 25 ở Phnôm Pênh, Campuchia tháng 11 vừa qua.
Thời gian qua, nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy thực thi DOC, ASEAN và Trung Quốc triển khai một số lĩnh vực, dự án hợp tác cụ thể, nổi bật là việc thiết lập và thử nghiệm thành công đường dây nóng giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc. Nhiều hội thảo, khóa học... cũng được tổ chức nhằm thảo luận về biện pháp giải quyết những thách thức, đồng thời đưa ra những sáng kiến, đề xuất hợp tác giữa các bên ở Biển Đông.
Theo Tuyên bố kỷ niệm 20 năm DOC, trong thời gian tới, ASEAN và Trung Quốc cam kết duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm thông qua một COC thực chất và hiệu quả, dựa trên sự đồng thuận, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Hai bên cũng tiếp tục tìm hiểu và triển khai các sáng kiến hợp tác biển thiết thực trong các lĩnh vực, như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn hàng hải, thông tin liên lạc trên biển, tìm kiếm cứu nạn và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng ngày càng trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia ở trong và ngoài nước tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề "Biển hòa bình-Phục hồi bền vững" được tổ chức vào tháng 11 vừa qua, tại Đà Nẵng. Bởi vậy, việc duy trì một trật tự trên biển, trong đó đề cao tuân thủ luật pháp, thông lệ quốc tế, tăng cường tin cậy và hợp tác là yếu tố cần thiết, góp phần bảo đảm phục hồi và phát triển bền vững trong khu vực.
Việc thực thi DOC một cách đầy đủ, nghiêm túc và thiện chí là trách nhiệm của cả ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục cùng các bên triển khai hiệu quả nỗ lực này, đồng thời thúc đẩy sớm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả, đưa Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.