Xây dựng lại Nhà bia lưu niệm tại “Thủ đô văn nghệ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp

NDO - Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Thời báo Văn học nghệ thuật, Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam vừa tổ chức lễ động thổ, khởi công xây dựng lại công trình Nhà bia lưu niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ tại xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại lễ động thổ, khởi công xây dựng lại Nhà bia lưu niệm.
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại lễ động thổ, khởi công xây dựng lại Nhà bia lưu niệm.

Công trình nhà bia lưu niệm do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tài trợ được xây dựng tại xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền, chính trên nền đất nhà bà Bủ Gái, người mẹ tần tảo trong bài thơ nổi tiếng “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu.

Đến dự buổi lễ, có lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương và đông đảo nhân dân hai xã Gia Điền, Yên Kỳ.

Tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã ôn lại lịch sử vẻ vang của nền văn nghệ kháng chiến: Tại chính mảnh đất này theo chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, các văn nghệ sĩ tiền bối khi ấy đã bàn bạc, quyết định tổ chức Hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) từ ngày 23-25/7/1948, chọn địa điểm ở trên một ngọn đồi thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ cách đó chừng 5 km có địa hình khá hiểm trở. Sau khi Đại hội thành công, bầu nhà văn Nguyễn Tuân là Tổng Thư ký, toàn bộ cơ quan thường trực Hội đã trở về với Gia Điền hoạt động trong hai năm, đồng thời ra đời Nhà xuất bản Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: Với tư cách thế hệ sau, chúng tôi càng thấm thía tầm nhìn sâu rộng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những ngày đầu kháng chiến gian khổ, đã đặc biệt quan tâm đến văn hóa, xây dựng phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức,cho đến hôm nay có đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu.

Buổi lễ động thổ hôm nay là một trong những hành động tri ân đối với nền văn nghệ Việt Nam, đến đồng bào đã đùm bọc cách mạng, các văn nghệ sĩ mà khi ấy tuổi đời còn rất trẻ. Các văn nghệ sĩ tại nơi đây đã sáng tác những tác phẩm sống mãi với thời gian, đơn cử như “Bầm ơi”, “Bà Bủ” của nhà thơ Tố Hữu, “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao, “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận…”.

Với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, việc xây dựng lại nhà bia lưu niệm là một trong những hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm ghi nhớ, tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối và đồng bào nhân dân, cán bộ, đảng bộ địa phương đã giúp đỡ, gây dựng nên hồn cốt nền văn nghệ cách mạng thể qua những tác phẩm của các văn nghệ sĩ.

Xây dựng lại Nhà bia lưu niệm tại “Thủ đô văn nghệ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp ảnh 1

Tặng hoa các đại biểu tại lễ động thổ, khởi công công trình.

Chủ tịch UBND xã Gia Điền Cát Quốc Việt cho biết, năm 1997, nhà thơ Tố Hữu và gia đình đã về thăm, sau đó phối hợp địa phương xây dựng bia lưu niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam. Việc nâng cấp, xây dựng quần thể nhà bia lưu niệm là công trình rất có ý nghĩa với chính quyền và nhân dân địa phương.

Ông Hoàng Dự, Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cho biết, trước đó, tháng 5/2023, trong chuyến đi cùng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam “về nguồn”, thăm lại hai địa điểm lịch sử trước thềm kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp, Thời báo Văn học nghệ thuật đã vận động Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tài trợ nâng cấp và xây dựng quần thể nhà bia lưu niệm.

Ông hy vọng, đây sẽ trở thành một điểm về nguồn mang nhiều ý nghĩa với các văn nghệ sĩ, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào truyền thống cách mạng và nền văn học nghệ thuật thời kháng chiến.

Trong buổi lễ, Nghệ sĩ Ưu tú Chiều Xuân đã ngâm bài thơ “Bầm ơi” mà chị thuộc lòng từ ngày trẻ trong niềm xúc động khi là thế hệ nghệ sĩ được sống trong đất nước hòa bình, lần đầu đặt chân đến Thủ đô văn nghệ thời kỳ kháng chiến, khi biết chính nơi đây, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác nên bài thơ “Bầm ơi” về nhân vật bà Bủ có thật, nơi đặt bia lưu niệm chính là mảnh đất ngày xưa bà nuôi giấu văn nghệ sĩ.