Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Ðịnh hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng” mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội đã thống nhất đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu rõ rệt.
Đòi hỏi nâng cao chất lượng
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội, chất lượng không ngừng được nâng lên. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã trở thành một nội dung trọng tâm của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quá trình xây dựng pháp luật đã ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch.
Ðiểm nhấn là ngày càng nhiều hơn các luật bảo đảm tính thực thi ngay trong luật; tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao, được quán triệt sâu sắc trong thực tiễn triển khai thi hành pháp luật. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nhiều vụ việc làm sai, làm trái pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được xử lý nghiêm minh, mang lại hiệu quả răn đe, cảnh tỉnh lớn, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Phân tích tình hình thực tiễn nhiều năm qua, các chuyên gia cho rằng, so với thực tiễn phát triển đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Trong đó, việc ban hành pháp lệnh hoặc nhiều nội dung phải quy định bằng luật mà vẫn phải ủy quyền cho Chính phủ ban hành nghị định hoặc các bộ ban hành thông tư; các khâu của quá trình xây dựng, ban hành pháp luật chưa đồng bộ, tính phù hợp chưa cao; việc lấy ý kiến nhân dân vẫn còn hạn chế...
Ðồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: Thực trạng chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi còn bị xem nhẹ; xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trên thì xử lý quyết liệt, dưới thì xuê xoa, dĩ hòa vi quý.
Dịp này, đại diện các bộ, ngành và phát biểu của các chuyên gia dành nhiều thời gian trình bày các tham luận chuyên sâu và thảo luận những vấn đề lớn. Theo PGS Hoàng Thế Liên (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp): Thực trạng công tác thi hành pháp luật xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế đáng lo ngại, vì thế Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh “tổ chức, thi hành pháp luật” cần phải ngang tầm nhiệm vụ xây dựng pháp luật. PGS Hoàng Thế Liên cũng cho rằng, muốn cải thiện vấn đề này, trước tiên “Nhà nước phải xác định ưu tiên đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật, đó chính là đầu tư cho thể chế, đầu tư cho động lực phát triển quốc gia, tuy nhiên lâu nay việc đầu tư còn hạn chế”.
Người dân là trọng tâm
PGS Hoàng Thế Liên đưa ra một số đề nghị, hệ thống pháp luật thời gian tới cần được hoàn thiện theo hướng bảo đảm các nguyên tắc về chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Ông nhấn mạnh cần nhận thức hoàn thiện thể chế chính là động lực của phát triển: Pháp luật cần tạo ra các không gian pháp lý rộng rãi hơn để người dân thực hiện các quyền tự do. Có vậy mới có sáng tạo, phát triển cho chính mình và cho đất nước. Theo đó, “cần rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành, còn chứa đựng nhiều quy định cấm, điều kiện kiểu xin-cho, những hạn chế bằng thủ tục lòng vòng”.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, lấy chính quyền cơ sở là hạt nhân, lấy người dân là trọng tâm cũng là chủ thể thụ hưởng trong xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Vì thế, thực tiễn đòi hỏi hệ thống pháp luật phải thống nhất, đồng bộ, minh bạch, ổn định, có tính khả thi cao, tương thích với pháp luật quốc tế.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Xây dựng pháp luật phải dựa trên yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xã hội, lấy tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật là “thước đo” cho quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, tăng cường, chú trọng đầu tư nguồn lực về con người, các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển”, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.