Xây dựng hệ sinh thái khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xác định và giải quyết các bài toán lớn, cụ thể để tập trung nguồn lực khoa học-công nghệ xử lý các vấn đề cấp thiết của thành phố; đồng thời, phấn đấu hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo, làm hạt nhân kết nối các trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh, tạo mạng lưới nghiên cứu khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm các sản phẩm khoa học-công nghệ tại Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh).
Triển lãm các sản phẩm khoa học-công nghệ tại Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển khoa học-công nghệ để tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội cho những năm tới.

Trong đó, thành phố đã hỗ trợ gần 3.000 doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đạt 495% kế hoạch năm. Đáng chú ý, trong năm vừa qua, tổng chi tiêu xã hội cho khoa học-công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 10.000 tỷ đồng, con số này ước tính chiếm khoảng 0,79% trong GRDP của thành phố.

Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại thành phố ngày càng lớn mạnh với các hoạt động kết nối, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo diễn ra sôi nổi và tăng trưởng đáng kể với 45 tổ chức hỗ trợ, gần 2.000 startup, hơn 100 quỹ đầu tư và gần 100 trường đại học, cao đẳng… Ước tính, đóng góp của kinh tế số vào giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực trọng điểm của thành phố đạt gần 15%.

Theo thống kê, có đến 40,5% doanh nghiệp tại thành phố thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, phần lớn tập trung vào phương pháp quản lý, tổ chức và hoạt động đổi mới về quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ… Tỷ lệ doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi số hoặc sản xuất thông minh đạt tỷ lệ 16,5% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động.

Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của doanh nghiệp trong bốn ngành công nghiệp và chín ngành dịch vụ trọng yếu đóng góp khoảng 48,9% vào tăng trưởng giá trị gia tăng của thành phố. Để đạt được kết quả trên, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ, thiết bị hiện đại áp dụng trong sản xuất và kinh doanh; triển khai nhiều chương trình ứng dụng khoa học-công nghệ trên các lĩnh vực đạt hiệu quả cao.

Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tiến gần đến tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo các quốc gia năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (StartupBlink) công bố.

Theo đó, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021 và Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí 111. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thành phố đang ngày càng lớn mạnh và thu hút được nhiều nguồn nhân lực của xã hội.

Mục tiêu chung mà Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đề ra là nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thúc đẩy hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển, thật sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội để thành phố tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

Trong đó, tập trung tổ chức đặt hàng nghiên cứu khoa học-công nghệ, bám sát các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên các nhiệm vụ khoa học-công nghệ đối ứng ngoài ngân sách; xác định và giải quyết các bài toán lớn, cụ thể để tập trung nguồn lực khoa học và công nghệ giải quyết các vấn đề cấp thiết của ngành y tế, giáo dục và quản trị trong khu vực công; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”, trọng tâm là đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm nền tảng kết nối, phát triển trong một số lĩnh vực về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ tài chính; công nghệ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Đây là những nhiệm vụ mang tính cấp bách nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết nhanh những bất cập mà thành phố đang gặp phải. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho rằng, để thành phố phát triển nhanh và bền vững, việc kết nối nguồn lực từ nhà khoa học giải quyết các bài toán lớn là yêu cầu thiết thực, giúp thành phố giải quyết nhiều vấn đề kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, để làm được điều này, các đơn vị liên quan cần đưa ra mục tiêu cụ thể, kế hoạch rõ ràng và có thể đo lường được. Thành phố cần có cơ quan đầu mối chủ trì, xây dựng các cơ chế tài chính, phương án hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện cho nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố có đầy đủ các yếu tố trở thành trung tâm khoa học-công nghệ lớn nhưng sự kết nối nhà khoa học, viện nghiên cứu và thị trường... chưa rõ nét. Ngành khoa học và công nghệ thành phố đã có nhiều nỗ lực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối lực lượng khoa học-công nghệ tại thành phố và ở các địa phương khác trong nước, cũng như quốc tế.

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế cần được xem trọng trong kế hoạch hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ để tương xứng với tiềm năng của thành phố. Chỉ có hợp tác mới có thể tiếp cận những cái mới của công nghệ thế giới, có được nguồn lực tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để đẩy nhanh hơn việc đưa khoa học-công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.