Ðể công nghiệp hỗ trợ phát triển hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh cần tạo hướng đi mới, trong đó cần xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao theo mô hình chuyên sâu, liên kết thành chuỗi, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Ðồng thời, cơ cấu lại những khu công nghiệp hiện có theo hướng thân thiện với môi trường, chuyển đổi công nghệ và ít thâm dụng lao động.
Hiện, ở Việt Nam hầu như chưa có các khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại thành phố là chủ trương mang tính cấp thiết và khả thi cao, nhất là trong bối cảnh hậu Covid -19 khi làn sóng chuyển dịch tìm kiếm nguồn cung cấp mới cho các ngành công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Có nhiều khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Khó khăn nhất và điểm yếu cố hữu là chính sách cho phép doanh nghiệp lập quỹ phát triển công nghệ trước thuế nhưng quy mô doanh nghiệp nhỏ nên quỹ phát triển công nghệ không tương ứng để nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, doanh nghiệp khá lúng túng trong việc chọn công nghệ, địa chỉ nhà cung ứng nào tin cậy để mua. Thông tin trên mạng xã hội thì nhiều nhưng đâu là chuẩn để hạn chế rủi ro, chế độ bảo hành, huấn luyện, chuyển giao công nghệ… nếu không có sự giới thiệu tin cậy thì không dám đầu tư. Mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố cơ bản đã được lấp đầy nên khó kiếm được đất đai để đầu tư các dự án mới. Việc tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề nan giải...
Ðể ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi kiến tạo được thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp thì ngành công nghiệp hỗ trợ mới có nền tảng phát triển được. Về chính sách, các cơ quan chức năng nên bổ sung ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng toàn phần hoặc từng phần công nghệ cao (trang thiết bị công nghệ cao, nguyên vật liệu là sản phẩm công nghệ cao, giải pháp công nghệ cao…) trong sản xuất. Thành phố cần phân công một cơ quan nghiên cứu, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và có trách nhiệm về công nghệ cao cho doanh nghiệp lựa chọn và ứng dụng. Ðồng thời, trợ giá một phần tiền thuê đất cho doanh nghiệp để phát triển ứng dụng công nghệ cao... Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, nhận thức được điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển công nghiệp hỗ trợ, tác động đến sự phát triển công nghiệp thành phố, thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các chủ trương giảm các ngành nghề thâm dụng lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành… thành phố đã chuẩn bị hơn 300 ha đất để xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành những doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, cùng liên kết để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ. Thành phố nhìn nhận mô hình khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tuy là mô hình phổ biến và đã phát huy hiệu quả tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan… nhưng vẫn còn là vấn đề mới, các vấn đề về cơ chế hoạt động, thu hút đầu tư, mô hình vận hành, quản lý chưa được quy định cụ thể.
Tìm cách tiếp cận mới
Ðối với thành phố, do đất đai cho sản xuất công nghiệp quy mô lớn không còn nên mô hình khu công nghiệp kiểu cũ chắc chắn là không phù hợp. Việc thành phố muốn phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là bức thiết, nếu như không muốn nói là quá muộn. Song, tiếp cận mô hình khu công nghiệp kiểu mới này thế nào mới là quan trọng, nếu xây dựng mô hình khu công nghiệp theo kiểu "bình mới rượu cũ" thì thất bại là rất rõ. Ông Ðỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhấn mạnh: Với mô hình khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới, thành phố nên có cách tiếp cận mới, mở hơn, tầm nhìn xa hơn và toàn cầu hơn. Mô hình khu công nghiệp đó không phải là vài trăm héc-ta với phép cộng số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư theo cách cơ học. Mô hình đó phải tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn trên một đơn vị diện tích, phải lan tỏa giá trị ra toàn nền kinh tế, tạo ra việc làm có năng suất, chất lượng với thu nhập cao hơn. Nói chung, có nhiều mục tiêu cho mô hình khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao như khuyến khích phát triển kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; học hỏi và cải tiến công nghệ; chọn lọc ngành, chia sẻ thông tin và hợp tác, cải thiện năng suất và thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp. Trong khi đó, TS Huỳnh Thanh Ðiền, Trường đại học Nguyễn Tất Thành gợi mở: Các đô thị lớn giữ vai trò quan trọng trong việc chuỗi liên kết, nên dành quỹ đất thích hợp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi liên kết ngành, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ. Thành phố không phù hợp cho các ngành thâm dụng lao động nên cần tập trung phát triển các công đoạn mấu chốt của chuỗi giá trị ngành, những công đoạn sử dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các công đoạn khác. Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia, cần xây dựng các mô hình mẫu tổ chức sản xuất ở các ngành từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các chi tiết, linh kiện… đến thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường. Các cơ chế chính sách trọng tâm vào hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành hoạt động trong tất cả các khâu đầu tư nghiên cứu, thiết kế, cung ứng sản phẩm phụ trợ, phân phối.
Cùng với đó, thành phố phải thúc đẩy các sáng kiến liên kết vùng, hợp tác toàn cầu về chính sách công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, không chỉ bó hẹp phạm vi trong địa giới hành chính của thành phố mà phải tiếp cận theo hướng mở rộng ra toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trực tiếp liên kết công nghiệp với các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu... Hợp tác quốc tế là chiến lược không thể xem nhẹ nhằm tăng khả năng hấp thụ tri thức và công nghệ, tăng cường kết nối với các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu. TS Trương Thị Chí Bình, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), đồng thời là Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng: Do chi phí thuê mặt bằng tại thành phố và các tỉnh lân cận ngày càng tăng cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, cơ hội cho doanh nghiệp chế tạo thuần Việt tham gia vào khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao ngày càng hạn chế. Do vậy, với chủ trương này, thành phố cần cân nhắc các điểm ưu tiên chính, trong đó giá thuê đất, đối tượng thu hút đầu tư và các dịch vụ cần cung ứng của khu công nghiệp hỗ trợ này là những điểm cần được quan tâm nhất.
(*) Xem Trang thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 4/3/2022.