Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ

Ðể tiếp tục tạo động lực mới, bền vững cho tăng trưởng kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thành phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Hệ sinh thái này không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp FDI… mà còn là xương sống cho nền sản xuất hiện đại của thành phố. 

 

Trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Bài 1: Dần khẳng định vị thế

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ để làm đòn bẩy đột phá phát triển kinh tế. Qua đó, nhiều sản phẩm công nghệip hỗ trợ trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của ngành. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, ngành chưa tạo được động lực thúc đẩy công nghiệp thành phố phát triển nhanh, bền vững. 

Trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, thành phố xác định ngành công nghiệp hỗ trợ là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Và thực tế, thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã phát huy được vai trò bổ trợ cho các hoạt động sản xuất, nhất là cho ngành công nghiệp công nghệ cao.

Gia tăng chuỗi cung ứng nội địa

Với sự hỗ trợ của Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên nhận được chuyển giao công nghệ từ đối tác Hàn Quốc để triển khai dự án đầu tư xây dựng khu nghiên cứu-ứng dụng và sản xuất công nghệ cao Phước Thành với tổng vốn đầu tư hơn 79 triệu USD. Dự án nhằm tham gia chuỗi cung ứng cho nhà máy Samsung SEHC trong SHTP, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Với nỗ lực trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn, Minh Nguyên đã tích cực thực hiện chương trình cải tiến kỹ thuật, trong đó tập trung vào việc thiết lập tiêu chuẩn quản lý, nâng cao năng suất thiết bị, hạn chế lãng phí trong các công đoạn sản xuất. Với chương trình cải tiến này, Minh Nguyên đã tăng hiệu suất sản xuất, giảm thời gian tồn kho, đồng thời doanh thu tăng 14 lần so với trước đây. Hiện, Minh Nguyên đã trở thành doanh nghiệp cung ứng trực tiếp cho Samsung tại SHTP.

Việc thu hút thành công các công ty, tập đoàn lớn có tác động lan tỏa, kéo theo một loạt các nhà đầu tư về cung ứng nội địa đầu tư vào SHTP, giúp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nội địa-công nghiệp hỗ trợ của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Tính đến cuối năm 2021, khu công nghiệp này thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ được 26 dự án với tổng vốn đầu tư gần 513 triệu USD, trong đó có 14 dự án trong nước (tổng vốn hơn 163 triệu USD), 12 dự án FDI (tổng vốn hơn 349 triệu USD). Hiệu suất đầu tư trên diện tích đất đạt 10,2 triệu USD/ha, suất đầu tư này còn tăng lên khi diện tích nhà xưởng cao tầng cho thuê được lấp đầy. Qua đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp vào tổng giá trị thu hút đầu tư vào SHTP là 7,6%, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh, tạo môi trường sản xuất công nghệ cao lý tưởng cho các doanh nghiệp FDI và tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư dự án công nghệ cao mới trong tương lai.

Theo thống kê, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của thành phố đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Công ty TNHH sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Công ty Cao-su TNHH MTV Thống Nhất, Công ty TNHH CNS Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô-tô… Ðây là những bước khởi đầu đáng khích lệ để ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố có bước tiến cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chưa tạo được "bệ đỡ"

Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng công nghiệp hỗ trợ của thành phố vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tạo được "bệ đỡ" cho công nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Công nghiệp hỗ trợ chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với công nghệ đơn giản, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao; việc phân bổ mặt bằng sản xuất, quỹ đất dành cho công nghiệp hỗ trợ chưa phù hợp nhu cầu doanh nghiệp. Các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu của thành phố (17 khu công nghiệp, khu chế xuất) chưa phát huy được tính đổi mới sáng tạo, chậm chuyển đổi mô hình hoạt động, còn thâm dụng lao động, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu. Và chưa tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ.

GS,TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Khoa học thành phố đánh giá: Các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố thuộc mô hình hỗn hợp và đa ngành, có rất ít khu có mô hình vườn ươm. Thành phố thực chất đã bước vào giai đoạn hậu công nghiệp khi GRDP nằm trong khoảng 5.000-6.000 USD/người, nhưng các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa thật sự hoạt động dựa trên động lực hiệu quả và đổi mới sáng tạo. Các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chủ yếu thâm dụng lao động ít kỹ năng, trình độ công nghệ phần lớn các doanh nghiệp vẫn ở mức trung bình, kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông trong bối cảnh siêu đô thị đã gây tắc nghẽn, dẫn đến chi phí logistics cao, tính kết nối các doanh nghiệp trong nước và FDI yếu trong việc cung ứng các linh kiện theo chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ toàn cầu. Nếu các khu công nghiệp, khu chế xuất chậm chuyển đổi qua hoạt động dựa trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo thì giai đoạn hậu công nghiệp sẽ vẫn dậm chân tại chỗ, dẫn đến không hiệu quả cho các nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt không tạo ra động lực tăng trưởng mới cho thành phố từ công nghiệp trong 10-20 năm tới.

Trong khi đó, TS Huỳnh Thanh Ðiền, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: Các ngành thâm dụng lao động không còn phù hợp, sản xuất sản phẩm đầu cuối công nghệ cao còn quá tầm so với nền kinh tế thành phố. Việc thu hút công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao là phù hợp nhất đối với bối cảnh hiện nay của thành phố. Hiện, công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn nhỏ, chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với yêu cầu công nghệ đơn giản, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, phần lớn các sản phẩm hỗ trợ cho ngành phụ thuộc vào nhập khẩu. Quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố đang gặp phải nhiều hạn chế về công nghệ, kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực. Ðặc biệt, thành phố còn thiếu các khu phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao để làm bàn đạp phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: CAO TÂN