Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2015)

Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại

Sáu mươi năm là một chặng đường không dài so với bề dày lịch sử hàng trăm năm của thành phố Cảng. Song, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, của Bác Hồ, Ðảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng bằng trí tuệ, máu xương và mồ hôi, công sức đã xây nên truyền thống "Trung dũng-Quyết thắng", đoàn kết, năng động, sáng tạo, giành được nhiều thành tựu to lớn và vẻ vang, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững.

Một góc Cảng Hải Phòng hôm nay.
Một góc Cảng Hải Phòng hôm nay.

Truyền thống vẻ vang

Thành phố Hải Phòng được thành lập trên vùng đất cửa biển phía đông miền bắc, nơi giữ vị trí chiến lược về địa kinh tế, địa quân sự của đất nước. Người Hải Phòng có lòng yêu nước nồng nàn, khí phách, kiên trung, bất khuất, luôn trụ vững, đi đầu nơi "đầu sóng", "ngọn gió". Ngay từ những năm 40 đến 43 sau Công nguyên, người Hải Phòng đã cùng nữ tướng Lê Chân mở đất, lập trang An Biên, tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành độc lập cho đất nước. Người Hải Phòng cũng rất đỗi tự hào khi lập nên những chiến công vang dội trên sông Bạch Ðằng lịch sử vào các năm 938 dưới thời Ngô Quyền, năm 981 dưới thời Lê Hoàn, và năm 1288 của quân và dân nhà Trần đã nhấn chìm mộng xâm lăng của các thế lực ngoại bang.

Vào những năm cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20, với vị trí là một thành phố Cảng, trung tâm công nghiệp, đầu mối giao thông quốc tế, Hải Phòng là nơi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm đầu cầu để tiếp nhận, truyền bá, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở trong nước, dẫn đến sự ra đời của Ðảng bộ Ðảng Cộng sản thành phố vào tháng 4-1930. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, lớp lớp người Hải Phòng đã kiên cường tranh đấu, đi tiên phong trong phong trào cách mạng của cả nước, với những chiến công đã đi vào lịch sử như: "Ðường 5 anh dũng"; "Ðường 10 quật khởi"; "Sở Dầu, Cát Bi rực lửa".

Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhưng phải hơn một năm sau, ngày 13-5-1955, thành phố Hải Phòng mới được giải phóng, miền bắc nước ta được giải phóng hoàn toàn và bước vào giai đoạn lịch sử mới. Trong 20 năm (1955-1975), Ðảng bộ, quân và dân Hải Phòng vừa bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc.

Từ một thành phố là thuộc địa của thực dân Pháp, Hải Phòng đã trở thành thành phố Cảng- đầu mối giao thông quốc tế lớn nhất miền bắc, một trung tâm công nghiệp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có vùng nông thôn rộng lớn. Với tinh thần lao động sáng tạo của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Hải Phòng trở thành quê hương của phong trào thi đua "Sóng Duyên hải" trong công nghiệp, phong trào xây dựng "tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa" ở miền bắc.

Trong cuộc chiến tranh đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ, mặc dù bị kẻ thù đánh phá ác liệt, song từ Cảng Hải Phòng, nơi xuất phát của những con tàu "không số" của Hải quân nhân dân Việt Nam chuyên chở vũ khí chi viện cho các chiến trường miền nam, làm nên con đường huyền thoại "Hồ Chí Minh trên biển". Không chỉ chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, quân và dân thành phố Hải Phòng còn sản xuất giỏi, tổ chức ổn định đời sống và hết lòng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền nam, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...; được Bác Hồ ba lần gửi thư khen và tặng cờ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"; được Ðảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Vững vàng nơi "đầu sóng", "ngọn gió"

Sau ngày đất nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", bám sát cơ sở, nghiên cứu, tổng kết các mô hình hay, cách nghĩ, cách làm sáng tạo từ cơ sở, Hải Phòng đã trở thành quê hương của cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp; có những bước đi đột phá trong sản xuất-kinh doanh; đạt nhiều kết quả trong khai hoang lấn biển, chỉnh trang và quản lý đô thị. Thực tiễn Hải Phòng đã góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Ðảng ta.

Gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Ðảng bộ và nhân dân thành phố đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, "giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực". Thành phố Hải Phòng đã cùng cả nước từng bước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội mở ra thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðặc biệt trong 15 năm đầu của thế kỷ thứ 21, và sau 12 năm thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong năm năm (2011-2015) triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của BCH T.Ư Ðảng và Nghị quyết Ðại hội XIV của Ðảng bộ thành phố, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt về nguồn vốn, thị trường và phải dành nguồn lực không nhỏ bảo đảm các nhu cầu an sinh xã hội; song thành phố Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, thu được những kết quả quan trọng; tiềm lực kinh tế thành phố được nâng lên, quy mô kinh tế được mở rộng, GDP năm 2015 ước gấp 1,52 lần năm 2010. Thành phố thu hút nhiều dự án đầu tư nhất từ trước tới nay, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu nhiệm kỳ đến nay bằng 1,5 lần tổng vốn FDI của những năm trước cộng lại. Trong đó, có nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao đến từ các tập đoàn lớn, có uy tín trên thế giới. Không gian kinh tế thành phố được mở rộng, thị trường xuất khẩu vươn tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ; cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng, kinh tế dịch vụ được đặt đúng vị trí; phát huy ngày càng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng; các ngành công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiêu tốn ít tài nguyên, nhiên liệu; ít gây ô nhiễm môi trường được ưu tiên đầu tư.

Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, nhiều dự án hạ tầng chiến lược đã và đang được triển khai, như: đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; Cầu-đường Tân Vũ-Lạch Huyện; các dự án nạo vét, xây dựng các tuyến luồng hàng hải đạt chuẩn thiết kế... Ðặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn rất khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước được Chính phủ giao là cấp quyết định đầu tư và là chủ đầu tư dự án lớn là Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi. Cả thành phố như một "đại công trường", nhưng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị vẫn bảo đảm với yêu cầu quy mô đô thị được mở rộng, việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị được quan tâm, đã góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được tập trung chỉ đạo, chuyển biến rõ nét; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh; tiếp tục chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nông dân được cải thiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp thu được kết quả bước đầu. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, quản lý và bảo vệ môi trường được quan tâm.

Văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao; nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa đa dạng, phong phú được tổ chức, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân thành phố, nhất là Lễ hội Chọi trâu Ðồ Sơn, Lễ hội Hoa phượng đỏ...

Giáo dục-đào tạo phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng, thành phố là địa phương duy nhất trong cả nước 20 năm liền có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế. Tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng lên. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác giảm nghèo, chăm sóc người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được quan tâm thực hiện. Chương trình cải cách hành chính được đẩy mạnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo sự chuyển biến, tiến bộ.

Công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị được triển khai toàn diện, có đổi mới. Hoạt động của các cấp chính quyền tiếp tục được đổi mới, hiệu quả, công tác chỉ đạo điều hành được nâng lên. Việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt được những chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Quốc phòng-an ninh được củng cố.

Trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Hải Phòng giành được trong 60 năm qua là tài sản vô giá, cả về vật chất và tinh thần, là nền tảng, là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bứt phá của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới. Ðảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục nắm vững phương châm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần xã hội.

Năm năm tới, thành phố cần tập trung cao, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển thành phố là: Phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo sự phát triển nhanh, đột phá để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía bắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Ðể thực hiện mục tiêu đó, thành phố tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; chủ động, sáng tạo, nắm vững thời cơ, vượt lên thách thức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiên quyết thực hiện bằng được các đột phá chiến lược; điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế thành phố để tăng cường thu hút đầu tư. Tiếp tục làm tốt công tác phát triển và quản lý đô thị, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, đối ngoại; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo môi trường ổn định cho bước phát triển đột phá của thành phố.

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; sự hợp tác, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố bạn và bạn bè quốc tế; Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng phát huy cao độ truyền thống vẻ vang của 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành; quyết tâm nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, viết tiếp những trang sử mới sáng ngời, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố, bảo vệ đất nước phát triển nhanh, bền vững.