Xây dựng hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng

Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng hoạt động vận tải, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách công cộng là mục tiêu mà ngành giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến buýt với nhà ga Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên” đang được gấp rút thi công, đáp ứng kịp thời công tác vận hành tuyến Metro vào tháng 7/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đón xe buýt tại trạm Bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng, Quận 1. (Ảnh THẾ ANH)
Người dân đón xe buýt tại trạm Bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng, Quận 1. (Ảnh THẾ ANH)

Tiếp cận xe buýt với các nhà ga Metro

Mới đây, ngày 25/12/2023, dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến buýt với nhà ga Metro số 1” đã chính thức được khởi công. Dự án được Sở Giao thông vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư 92,3 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp là 52 tỷ đồng. Dự án này, khi hoàn thành sẽ đồng bộ với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, kết nối các nhà ga của tuyến đường sắt này với các phương thức vận tải khác, tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức. Đồng thời, dự án sẽ triển khai xây dựng mới nhiều hạng mục công trình như các bãi đậu xe cá nhân, đường bộ hành, các điểm dừng cho các tuyến xe buýt gom tại các vị trí lân cận các nhà ga của tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên (ga Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Bến xe Suối Tiên).

Dự án còn xây dựng mới các bãi dừng đỗ cho các phương tiện công cộng, với tổng diện tích khoảng 3.260m2 tại hai vị trí gần ga Văn Thánh và ga Bình Thái. Cùng với đó, xây mới năm bãi đỗ xe cá nhân với tổng diện tích gần 5.500m2, được bố trí tại những vị trí lân cận các nhà ga gồm Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái. Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Lê Hoàn cho biết: Việc xây dựng các hạng mục bãi đậu xe cá nhân, tổ chức điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt hiện hữu và mở mới các tuyến xe buýt gom sẽ hình thành mạng lưới liên kết xe buýt vào tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên; từ đó thu hút, giải tỏa hành khách ở các nhà ga của tuyến Metro tới các khu vực lân cận và ngược lại, giúp phát huy hết khả năng vận tải hành khách của tuyến Metro số 1; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng tuyến Metro này.

Cùng với việc thiết lập cơ sở hạ tầng cho xe buýt gom, Trung tâm sẽ tổ chức điều chỉnh lộ trình 14 tuyến buýt và mở mới 24 tuyến buýt gom (trong đó có ba tuyến liên tỉnh) chạy dọc Xa lộ Hà Nội. Các tuyến xe buýt này vừa tăng cường kết nối, vừa là tuyến giao thông gom khách cho tuyến Metro số 1, giúp người dân đi lại dễ dàng thuận tiện hơn. Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thành phố đầu tư hạ tầng và bố trí thêm các tuyến buýt gom chạy dọc Xa lộ Hà Nội rất phù hợp và cần khẩn trương đầu tư xây dựng. Một khi hạ tầng, bến bãi được giải quyết thì tuyến Metro số 1 nói chung, những tuyến Metro đang được thành phố đầu tư, kêu gọi vốn mới có thể phát huy được tiêu chí lấp đầy sản lượng hành khách. Ban quản lý Đường sắt đô thị thành phố công bố một kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy, việc đầu tư phát triển mạng lưới xe buýt gom có thể sẽ giúp tăng lượng khách của tuyến Metro số 1.

Trường hợp có mạng lưới buýt gom thì lượng khách là 110.000 lượt hành khách/ngày, tương đương mức tăng 62% so với chưa có mạng lưới buýt kết nối.

Tiếp tục đẩy mạnh hệ thống vé điện tử

Trong năm 2023, việc triển khai vé điện tử trên các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố đã được mở rộng. Tính đến nay, hệ thống vé điện tử đã lắp đặt trên 23 tuyến xe buýt. Qua thống kê, đến cuối năm 2023 đã có 11,3 triệu lượt hành khách sử dụng thẻ vé điện tử trên các tuyến xe buýt. Ông Lê Hoàn cho hay: Với những kết quả đạt được, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh thực hiện nhiều dự án, chương trình trong năm 2024 và những năm tiếp theo nhằm góp phần từng bước hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Qua đó, góp phần xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, ngày càng văn minh, hiện đại. Bên cạnh công tác xây dựng các bến bãi mới, Trung tâm đã thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa điểm dừng, bến bãi; sửa chữa các nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, các bảng thông tin điện tử trực tuyến thông báo thời gian xe sẽ đến trạm. Triển khai công tác vệ sinh, bảo vệ tại bến bãi, các điểm dừng, bảo đảm an toàn kết cấu, an toàn giao thông. Trong đó, đã đầu tư xây dựng mới 13 nhà vệ sinh công cộng có thiết kế thoáng mát, sạch đẹp, tiện nghi cho hành khách và được sử dụng miễn phí tại 13 bến xe buýt lớn như: Bến xe buýt Sài Gòn (Công viên 23/9), bến xe buýt Chợ Lớn, bến xe buýt Linh Trung 2, bến xe buýt Cần Giờ... Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã quyết liệt, tập trung triển khai các thủ tục để khởi công nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, bến bãi quan trọng phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng như: Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến buýt với nhà ga Metro số 1, dự án Xây dựng đường giao thông kết nối bến xe buýt Hóc Môn, xây dựng bến xe buýt Hóc Môn, bến xe buýt Lê Minh Xuân-huyện Bình Chánh ■