Cuộc vận động và phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có từ hàng chục năm nay ở các địa phương trong cả nước, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp cũng như lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc, động viên cộng đồng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Ý nghĩa của phong trào là điều ai cũng thấy qua sự chuyển biến tích cực ở không ít địa phương, nhưng vẫn còn một số nơi với cách làm hời hợt, quan liêu, mang tính áp đặt, chạy theo thành tích, chưa thật sự xuất phát từ cộng đồng và vì cộng đồng, khiến cho việc triển khai phong trào những năm gần đây chưa hiệu quả, không đạt được những mục tiêu đề ra. Có một nghịch lý ở một số địa phương là khi số lượng gia đình văn hóa đạt chuẩn chiếm tỷ lệ rất cao theo báo cáo, song thực trạng đời sống văn hóa - xã hội lại xuống cấp và diễn biến phức tạp, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mất trật tự an ninh gia tăng, đạo đức và các giá trị gia đình truyền thống suy giảm, mai một.
Không phải đến bây giờ, căn bệnh thành tích và hình thức mới được đề cập, báo chí và dư luận đã nhiều lần lên tiếng, đồng thời các nhà quản lý ngành văn hóa ở cấp trung ương và địa phương cũng nhận ra điều này, song quy trình xét chọn, trao tặng danh hiệu gia đình văn hóa không có nhiều thay đổi, vẫn mang tính đại trà, rộng khắp kiểu bề nổi, chưa đi vào thực chất. Có những khu dân cư, cứ năm hộ gia đình thì có đến ba hộ được công nhận gia đình văn hóa hoặc thậm chí toàn bộ các hộ gia đình đều đạt chuẩn gia đình văn hóa, thế nhưng khu dân cư vẫn còn có người vi phạm pháp luật, môi trường vệ sinh thì ô nhiễm, hàng quán bày bán la liệt tràn ra cả lòng lề đường, trẻ em, người lớn văng tục, chửi thề... Trong khi đó, việc xét chọn và trao tặng danh hiệu gia đình văn hóa hiện được làm một cách chiếu lệ và phụ thuộc vào báo cáo của người đứng đầu khu dân cư, dựa theo phiếu điều tra được phát cho các gia đình tự khai theo tiêu chí ghi trong đó, rồi nộp lên trên. Nghiễm nhiên, sau đó các gia đình được nhận lại một giấy chứng nhận gia đình văn hóa từ chính quyền gửi về. Bệnh hình thức còn nặng đến mức nhiều nơi trước đây còn thu phí các hộ gia đình để làm biển báo công nhận gia đình văn hóa treo trước cửa nhà, gây nhiều bức xúc và bị dư luận phê phán gay gắt.
Việc coi nhẹ quy trình và đặt ra những tiêu chí xét chọn còn chung chung, đánh đồng, gia đình nào cũng có thể được nhận danh hiệu như hiện tại đã khiến danh hiệu được trao không có giá trị tôn vinh. Một nhà nghiên cứu về văn hóa gia đình ở Việt Nam đã nhận xét thẳng thắn: Nếu cứ trao danh hiệu theo kiểu lấy số lượng như vậy, đâu cũng là gia đình văn hóa cả thì tương đương với việc không có gia đình văn hóa bởi danh hiệu có ít thì mới mang ý nghĩa biểu dương để cộng đồng học tập. Một nguyên nhân nữa lý giải cho việc nhiều địa phương cố đạt tới chỉ tiêu có số lượng gia đình văn hóa cao là nhằm tới mục tiêu công nhận khu dân cư văn hóa, để từ đó mới có thể xét công nhận ở mức cao hơn và là thành tích để báo cáo trong các kỳ tổng kết của ngành văn hóa ở cấp địa phương cũng như trung ương.
Lâu nay, chúng ta chỉ đề ra tiêu chí và tổ chức xét chọn danh hiệu gia đình văn hóa mang tính áp đặt, can thiệp từ trên xuống chứ chưa thật sự tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của cộng đồng, không tạo được sức lan tỏa rộng bởi sự thờ ơ của người dân. Đây cũng là điều mà các nhà quản lý văn hóa, chính quyền và các cấp tổ chức, đoàn thể phải chú trọng tìm giải pháp khắc phục, trong đó cần đi vào thực chất, cụ thể trong tiêu chí đề ra cho mỗi gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Việc bình xét gia đình văn hóa phải tiến hành sâu sát, với quá trình tham khảo kỹ lưỡng, lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư trên tất cả các mặt, theo hướng “cần chất lượng chứ không cần số lượng”; tăng cường tuyên truyền về những nội dung xây dựng gia đình văn hóa, bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ mà thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, phải làm sao cho cộng đồng nói chung và mỗi hộ gia đình nói riêng nhận thức được những tiêu chí và ý nghĩa của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phù hợp từng vùng, miền và từng dân tộc trong mối quan hệ và truyền thống văn hóa, để từ đó họ tự giác thực hiện vì gia đình mình và vì cộng đồng.