Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới

Đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố có tính quyết định thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy, những năm qua, ngành giáo dục phối hợp các ngành, địa phương xây dựng đội ngũ nhà giáo từng bước bảo đảm chất lượng và cơ cấu, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới dạy học.
0:00 / 0:00
0:00
Cô và trò Trường THCS Phú Lương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) trong giờ thực hành, thí nghiệm.
Cô và trò Trường THCS Phú Lương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) trong giờ thực hành, thí nghiệm.

Để phát triển đội ngũ nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, bổ sung góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên, hỗ trợ các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện triển khai chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.

Các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; tích cực chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bố trí, sử dụng đội ngũ cơ bản bảo đảm theo khung năng lực vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế. Kết thúc năm học 2022-2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông cả nước là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022).

Đáng chú ý, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tính đến hết năm học 2022-2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 của cấp mầm non là 86,3%, tiểu học là 83,3%, THCS là 90,3%, THPT là 99,9%. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cơ bản về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.

Nhiều địa phương đã có những giải pháp linh hoạt, phù hợp thực tiễn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tại tỉnh Yên Bái, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đào Anh Tuấn, để đảm bảo giáo viên thực hiện chương trình theo quy định, những năm gần đây, tỉnh sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý, hiệu quả, bảo đảm dạy đủ môn, dạy đủ chương trình, nhất là đối với môn Tin học và môn tiếng Anh.

Để đảm bảo giáo viên thực hiện chương trình theo quy định, những năm gần đây, tỉnh sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý, hiệu quả, bảo đảm dạy đủ môn, dạy đủ chương trình, nhất là đối với môn Tin học và môn tiếng Anh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đào Anh Tuấn

Năm học 2023-2024, tỉnh Yên Bái biệt phái 15 giáo viên môn tiếng Anh từ khu vực vùng thuận lợi lên hỗ trợ cho huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải; các huyện, thị xã, thành phố thực hiện biệt phái, bố trí dạy liên trường, liên cấp đối với trên 300 lượt giáo viên… Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cũng tổ chức thực hiện bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp để bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới ảnh 1

Thầy giáo - người truyền cảm hứng cho học sinh trong mỗi tiết học. (Ảnh NGỌC MAI)

Trong ba năm qua, tỉnh Yên Bái đã tổ chức tuyển dụng được 743 viên chức giáo dục bổ sung cho các đơn vị vùng khó khăn, đơn vị thiếu nhiều giáo viên theo quy định. Ngoài ra, tỉnh ban hành chính sách: Người có trình độ đại học sư phạm tiếng Anh, Tin học được tuyển dụng vào vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100 triệu đồng/giáo viên, chính sách này đã góp phần thu hút, nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trong quá trình thực hiện đổi mới tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% đã làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương chậm được khắc phục, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật... ảnh hưởng đến sắp xếp, bố trí giáo viên đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ luôn xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp trong thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục.

Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp trong thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Các địa phương cần tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; nhất là cần bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đáng chú ý, ngành giáo dục tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy bảo đảm điều kiện nâng chuẩn đội ngũ các cấp học mầm non, phổ thông; bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Ngành giáo dục cùng các địa phương nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác… nhằm bảo đảm chất lượng, số lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng tốt nhất yêu cầu đổi mới giáo dục các cấp học.