Phóng viên: Thưa đồng chí, nhiều năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn được Trung ương đánh giá cao về công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, kết quả cụ thể đạt được như thế nào?
Đồng chí Chẩu Văn Lâm: Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, những năm qua, Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành của tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm thực hiện tốt công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó chú trọng tới cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS), cán bộ trẻ.
Tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; đổi mới nội dung, phương pháp, cách làm, tuân thủ nguyên tắc "Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ".
Vì vậy, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS, cán bộ trẻ là cấp ủy viên, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp hầu hết đều đạt và vượt yêu cầu của Trung ương quy định. Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người DTTS trong những năm qua đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể:
Nhiệm kỳ 2020-2025: Cấp ủy tỉnh: nữ chiếm 29,17%, DTTS chiếm 41,67%, trẻ tuổi chiếm 4,17%; cấp ủy huyện và tương đương: nữ chiếm 21,50%, DTTS chiếm 38,94%, trẻ tuổi chiếm 4,36%; cấp ủy cơ sở: nữ chiếm 29,16%, DTTS chiếm 52,28%; trẻ tuổi chiếm 21,43%.
Nhiệm kỳ trước: Cấp ủy tỉnh: nữ chiếm 27,45%, DTTS chiếm 43,14%; trẻ tuổi chiếm 9,8%; cấp ủy huyện và tương đương: nữ chiếm 20,58%, DTTS chiếm 35,36%, trẻ tuổi chiếm 11,35%; cấp ủy cơ sở: nữ chiếm 25,87%, DTTS chiếm 55,79%; trẻ tuổi chiếm 29,72%.
Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: Cấp tỉnh: Đại biểu nữ chiếm 41,82%, DTTS chiếm 54,55%, trẻ tuổi chiếm 21,82%; cấp huyện: nữ chiếm 35,44%, DTTS chiếm 56,12%, trẻ tuổi chiếm 30,80%; cấp xã: nữ chiếm 33,62%, DTTS chiếm 59,76%, trẻ tuổi chiếm 39,71%.
Ở nhiệm kỳ trước là: Cấp tỉnh: nữ chiếm 35,59%, DTTS chiếm 52,54%, trẻ tuổi chiếm 15,52%; cấp huyện: nữ chiếm 35,71%, DTTS chiếm 59,52%, trẻ tuổi chiếm 21,03%; cấp xã: nữ chiếm 30,87%, DTTS chiếm 59,43%, trẻ tuổi chiếm 31,44%.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những cách làm cụ thể trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh?
Đồng chí Chẩu Văn Lâm: Để đạt được kết quả tích cực trong công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS, cán bộ trẻ, Tỉnh ủy đã thực hiện rất nhiều giải pháp, biện pháp để thực hiện, trọng tâm là: Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ và gắn với đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, nhân sự đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo HĐND, UBND các cấp. Do có quan điểm đúng đắn, khoa học và phù hợp, kế hoạch và giải pháp cụ thể, kiên trì thực hiện liên tục nhiều năm và kế thừa qua các nhiệm kỳ nên đã chủ động tạo được nguồn cán bộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 05-ĐA/TU ngày 9/7/2021 về thí điểm đổi mới thi tuyển công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang nhằm nâng cao chất lượng, kiểm định chặt chẽ "đầu vào", đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, thống nhất về mặt bằng kiến thức trong tuyển dụng, đồng thời gắn với thực hiện thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, mở rộng cơ hội tuyển chọn người có "tài", có năng lực nổi trội vào làm công chức, viên chức; tiết kiệm chi phí và thời gian cho việc tổ chức thi tuyển. Kết quả từ năm 2021 đến nay đã triển khai tổ chức bốn kỳ thi tuyển công chức, viên chức, tuyển dụng được 81 công chức, 671 viên chức.
Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2022, đến nay đã tổ chức thi tuyển 32 vị trí.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng quy định về giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Thực hiện quy định này, năm 2019 đã giao 25 việc cho 22 đồng chí; năm 2020 và giai đoạn 2020-2025, đã giao 52 việc cho 22 đồng chí; năm 2021, 2022 và giai đoạn 2021-2025, đã giao 266 việc đột phá, đổi mới cho 78 đồng chí; năm 2023 giao 219 việc cho 78 đồng chí. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã giao hàng nghìn việc cho cán bộ cấp mình quản lý.
Qua đó tạo môi trường và động lực để cán bộ lãnh đạo, quản lý phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo được lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022 đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị trung cấp và cao cấp cho 2.453 đồng chí; chuyên môn nghiệp vụ cho 7.631 lượt cán bộ; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: 3.789 người; bồi dưỡng ngoại ngữ 328 người; mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho 288 cán bộ (đối tượng 3) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; các huyện ủy, thành ủy mở các lớp bồi dưỡng cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy quản lý.
Từ năm 2018 đến 2022 đã luân chuyển 34 lượt cán bộ; thực hiện bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử được 5.518 lượt cán bộ (17 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý; 424 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 5.077 lượt cán bộ diện cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quản lý).
Phóng viên: Tỉnh sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?
Đồng chí Chẩu Văn Lâm: Tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh phải thật sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực, uy tín. Có từ 15% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, phấn đấu có khoảng 25% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Cấp huyện có từ 20% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi. Cấp xã 100% cán bộ chuyên trách có trình độ đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.
Thực hiện bố trí 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác nơi có điều kiện. Tiếp tục thực hiện mô hình bí thư cấp ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch HĐND. Bí thư cấp ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch UBND ở những nơi có điều kiện.
Mặt khác 100% công chức được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức hiện giữ. Cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (30% trên đại học) và trên 93% viên chức đạt chuẩn về trình độ (30% đạt trên chuẩn).
Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ (Theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của HĐND tỉnh). Duy trì tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp với tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%. Phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư.
Để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục đẩy mạnh việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần chủ động, tích cực, tự giác, gương mẫu đi đầu trong việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cán bộ, đảng viên phải thật sự tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm và thực hiện có hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao.
Người đứng đầu phải gương mẫu chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc.
Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới thi tuyển công chức, viên chức của tỉnh và kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng tuyển chọn cán bộ, kiểm định chặt chẽ "đầu vào", bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, công bằng và chọn được người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt vào công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở.
Thường xuyên sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức các cấp cho phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường của cán bộ và theo yêu cầu chức danh, vị trí việc làm.
Thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm, nhiệm kỳ và trước khi đề bạt, bổ nhiệm bảo đảm đúng quy định, đúng thực chất theo hướng xuyên suốt, đa chiều, theo tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể, gắn với kết quả thực hiện giao việc đột phá, đổi mới theo Quy định Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hằng năm đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc từ nơi khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng và phát triển.
Thực hiện nghiêm quy định về tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch, bảo đảm số lượng và chất lượng cán bộ được quy hoạch, có cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ DTTS theo quy định của Trung ương, của tỉnh.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan đơn vị quản lý theo quy định của Đảng, Nhà nước và quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổ chức thực hiện nghiêm đúng quy trình, quy định về điều động, bổ nhiệm cán bộ.
Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ; thực hiện tốt kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia giám sát và xây dựng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác cán bộ; trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu gương, nâng cao trình độ, năng lực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!