Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc VAAS cho biết, hiện nay trong số 19 đơn vị của Viện thì có 17 đơn vị đang có hợp tác với trên 50 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này là công ty, tập đoàn chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, xuất nhập khẩu nông sản trên cả nước như Vinaseed, Thaibinhseed, Doveco, Lộc Trời…
Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu bao gồm đầu tư nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ; liên kết sản xuất; chuyển giao bản quyển; hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ.
Theo ông Sơn, bên cạnh những lợi thế dễ nhận ra, vẫn còn một số vướng mắc còn tồn tại trong quá trình hợp tác giữa đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp.
Cụ thể, các chương trình hợp tác còn ở mức độ ngắn hạn, từng phần. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường yêu cầu sản phẩm mang lại hiệu quả ngay cho sản xuất trong khi có nhiều nghiên cứu khó định giá ngay từ đầu. Một số khó khăn khác là nhiều doanh nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ, thiếu bền vững và những vướng mắc về hành lang pháp lý trong hợp tác.
Đánh giá về tiềm năng trong vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định nhu cầu hợp tác của các doanh nghiệp là rất lớn. “Các doanh nghiệp rất hy vọng được hợp tác vì họ không có lợi thế về thiết bị và nhân lực chất lượng cao như các Viện”, ông nói.
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc cũng cho rằng thế mạnh của doanh nghiệp là định hướng sát thị trường và phát triển thị trường cho sản phẩm nghiên cứu. Do đó, quan hệ của 2 bên là tương hỗ cho nhau, nếu hợp tác được sẽ có nhiều thành công.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, các chương trình hợp tác hiện nay vẫn chưa đủ sâu và thực chất. Do đó, các đơn vị trong cần thảo luận để xây dựng được đề án thí điểm về hợp tác trong nghiên cứu và Thứ trưởng giao VAAS giữ vai trò chủ trì trong lĩnh vực trồng trọt.
Cụ thể hơn, Thứ trưởng nhấn mạnh 2 vấn đề cần giải quyết trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh hiệu quả hợp tác. Thứ nhất là cần có những quy định cụ thể về góp vốn và chia sẻ lợi nhuận để đảm bảo cân bằng đóng góp và lợi ích của của 2 bên.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao nhất các chương trình liên kết ban đầu có thể được thực hiện ở các Viện chính như về lúa, ngô hay cây ăn quả. Ở góc độ doanh nghiệp, có thể lựa chọn những đơn vị có nhu cầu, có nguồn lực và có thiện chí trong việc hợp tác và chia sẻ thành tựu.
Từ những mô hình thí điểm như trên, các chương trình hợp tác sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai mở rộng quy mô.