Xây dựng cơ chế liên kết vùng Đông Nam Bộ phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt

Ngày 18/3, tại tỉnh Bình Phước đã diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các bộ, ngành và hàng trăm doanh nghiệp dự hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương; mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.

Hội nghị còn là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154 của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; qua đó khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị. Theo đó, vùng Đông Nam Bộ với diện tích 23,6 ngàn km2, dân số hơn 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.

Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.

Trong những năm qua, nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng luôn tích cực đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Mục tiêu của việc hợp tác trong giai đoạn mới là khai thác thế mạnh tiềm năng sẵn có, phát huy lợi thế của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong một số lĩnh vực có tiềm năng hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, bền vững của các địa phương.

Xây dựng cơ chế liên kết vùng Đông Nam Bộ phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt ảnh 1

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025.

Để phát huy vai trò, thế mạnh của các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, các tỉnh và các doanh nghiệp trong quá trình liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của Thành phố Hồ Chí Minh; phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng. Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, thương mại-dịch vụ; hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp các dịch vụ hạ tầng công nghiệp và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.

Trong quá trình phát triển, muốn đạt tốc độ phát triển nhanh và bền vững, các địa phương cần phát huy tối đa thế mạnh của ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm.

Theo ông Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sikico Bình Phước, vùng kinh tế Đông Nam Bộ rất năng động, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò nòng cốt và các tỉnh lân cận là khu vực vệ tinh đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Vì vậy khi các địa phương, doanh nghiệp được gắn kết, liên kết mạnh mẽ sẽ tạo nên không gian rộng lớn để cùng nhau phát triển, xứng tầm với vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.

Liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư thông suốt các tuyến đường đã quy hoạch hoặc đang thi công chậm. Giao thông là huyết mạch, nhưng huyết mạch kết nối giữa Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đang bị cấm theo giờ hoặc tắc nghẽn vào giờ cao điểm - đây cũng là điểm nghẽn của dòng chảy kinh tế.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá cao những thành quả hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua. Hội nghị lần này ngoài việc tổng kết chương trình hợp tác trong vùng còn là hội nghị để vùng Đông Nam Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá cao những kiến nghị của các tỉnh, thành phố trong việc liên kết để phát huy được lợi thế từng địa phương và giải quyết các vấn đề lớn của khu vực. Vùng Đông Nam Bộ cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, thủ tục đầu tư, sử dụng về đất đai hiệu quả; huy động và phân bổ nguồn lực của vùng để giải quyết các vấn đề chung; cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để cán bộ dám nghĩ, dám làm và giảm được rủi ro.

Đồng chí cho rằng, tại hội nghị lần này, một số phát biểu của các tỉnh đã mở ra nhiều gợi ý cho vùng phát triển, tiếp thêm năng lượng đổi mới tư duy cho sự nghiệp đổi mới xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới. Cũng qua hội nghị giúp chúng ta nhận thấy những tiềm năng thế mạnh mà chưa được khai thác; những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ để cho sự phát triển chung của vùng.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận định, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ đang còn nhiều hạn chế và nhiều thách thức lớn, như: phát triển chưa xứng tầm; tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn là hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần xây dựng cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển chung. Đặc biệt phải đẩy mạnh kết nối hạ tầng, để hạ tầng đi trước, doanh nghiệp theo sau. Trong đó ưu tiên phát triển giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và phải xem đây là những việc làm cấp bách trong thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ.