Xây dựng cơ chế cho hoạt động đầu tư mạo hiểm

UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức xin ý kiến các chuyên gia nhằm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô. Đây là những nội dung quan trọng quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư nghe thuyết trình của một nhóm nghiên cứu tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh HÀ LINH)
Các nhà đầu tư nghe thuyết trình của một nhóm nghiên cứu tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh HÀ LINH)

Quỹ đầu tư mạo hiểm là một loại hình đầu tư chuyên nghiệp có nhiều ưu điểm. Mặc dù đã xuất hiện trên thị trường tài chính thế giới trong một thời gian dài, song do sự phát triển nhanh chóng và những lợi ích kinh tế đem lại mà loại hình quỹ đầu tư mạo hiểm ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư tài chính và chính phủ các nước.

Quỹ đầu tư mạo hiểm gắn liền với nguồn vốn mạo hiểm - nguồn tài chính cung cấp cho các công ty tư nhân mới thành lập trong các lĩnh vực dưới hình thức vốn cổ phần, với mục đích hỗ trợ cho các công ty vượt qua khó khăn ban đầu để đạt tới sự tăng trưởng, phát triển trong tương lai.

Quỹ đầu tư mạo hiểm tập hợp nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm và trung chuyển đến đối tượng có nhu cầu về vốn mạo hiểm. Vì thế, Quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân - khu vực hoạt động năng động nhất trong nền kinh tế.

Với đà phát triển của nền kinh tế mở như hiện nay của Việt Nam, việc phát triển thị trường vốn mạo hiểm nói chung và mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm nói riêng là rất cần thiết. Những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân cần nguồn vốn rất lớn cho việc phát triển, mở rộng và hội nhập.

Trong khi đó cung vốn ở Việt Nam lại rất hạn chế: Quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ so với khu vực, nguồn vốn đầu tư nước ngoài như FDI, ODA thì huy động có hạn và phải kèm điều kiện khắt khe.

Vì thế, cung và cầu về vốn mạo hiểm ở Việt Nam vẫn còn chênh lệch khá lớn, điều đó đặt ra nhu cầu phải hình thành và phát triển các Quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo ra kênh trung chuyển vốn mạo hiểm hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BestB Phạm Anh Cường, người có 13 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, đầu tư cho rằng: Quỹ đầu tư mạo hiểm rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển trong bất kỳ một nền kinh tế nào từ cấp vi mô tới vĩ mô, từ các nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp tới thành phố và quốc gia.

Như vậy, sự quan tâm về cơ chế và thể chế để các Quỹ đầu tư mạo hiểm có cơ hội phát triển là điều rất cần thiết của bất kỳ thành phố hay quốc gia nào.

Ông Phạm Anh Cường cho biết thêm, để nguồn vốn được dồi dào, cần “xã hội hóa nguồn vốn”, nghĩa là cần huy động từ trong dân.

Về phía cơ quan nhà nước, cần sớm ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm để phổ cập cho mọi công dân Việt Nam biết và hiểu được qua các buổi tập huấn dành cho các nhà chính sách, nhà quản lý, nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp. Nhà nước nên tạo hành lang pháp lý tốt nhất để hỗ trợ các Quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế phát triển tại Thủ đô nói riêng và từng thành phố của Việt Nam nói chung.

Đánh giá cao vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BK Fund, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần thiết thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Hà Nội và cần bảo đảm nguyên tắc không phát sinh đầu mối hành chính, sự nghiệp; hoạt động theo quy luật của thị trường.

Góp ý về chủ trương thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước, chuyên viên pháp lý cấp cao Quỹ ThinkZone Ventures Thẩm Trung Hiếu cho biết, dù mới là cơ chế thử nghiệm, Quỹ đầu tư mạo hiểm đã được bổ sung vào dự thảo Luật Thủ đô, là bước đi chung với xu thế thế giới.

Tuy nhiên, các phương án để Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân cũng là một nội dung mới và cần được tính toán và xin ý kiến các chuyên gia.

Các Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước khi thực hiện đầu tư đối ứng theo phương thức này có thể tận dụng được vai trò chuyên môn của đối tác tư nhân như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc nhà đầu tư trong việc thẩm định và lựa chọn công ty mục tiêu phù hợp, từ đó giảm gánh nặng về trách nhiệm chuyên môn cũng như việc tổ chức vận hành thẩm định, lựa chọn, đầu tư và quản lý đơn vị nhận đầu tư cho Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước.

Nêu kinh nghiệm trong quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới, Thạch Lê Anh - sáng lập Quỹ VSV (Quỹ đầu tư khởi nghiệp VSV) cho biết, tại các nước có thị trường về đầu tư mạo hiểm rất phát triển như ở Hàn Quốc có vốn đầu tư mạo hiểm chiếm 0,22% (năm 2022) GDP quốc gia; đầu tư mạo hiểm tại Mỹ chiếm 0,74% (năm 2022) của GDP; trong khi tại Israel là 1,71% (năm 2021), với tỷ trọng rất nhỏ tiền đầu tư mạo hiểm nhưng thường tạo ra gấp hàng trăm lần so với số đầu tư ban đầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, giải pháp cần làm là đề xuất một kế hoạch để Chính phủ sử dụng nguồn lực Nhà nước đầu tư trực tiếp cho khởi nghiệp (start-up) với cơ chế lựa chọn Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân vận hành và đồng đầu tư.

Cách đối vốn đã được nhiều quốc gia thực hiện như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Israel… bởi đây là phương cách giảm thiểu rủi ro cho các quỹ của Nhà nước.

Ngoài ra, Chính phủ cũng tiếp tục tài trợ cho một số hoạt động trọng điểm của hệ sinh thái khởi nghiệp với lộ trình giảm dần hỗ trợ từ các nguồn lực của Nhà nước.

Đồng thời Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách liên quan doanh nghiệp start-up, liên quan Quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư như: thuế, luật đầu tư mạo hiểm, các cơ chế cho nhà đầu tư mạo hiểm, các cơ chế bảo vệ họ khi đầu tư mạo hiểm, các cơ chế thoái vốn cho đầu tư mạo hiểm.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng nêu ý kiến, đề nghị quỹ phải có vốn 100.000 tỷ đồng, vốn phải lớn. Vốn này 30% là từ ngân sách của thành phố, 70% phát hành chứng chỉ quỹ và bán cho các thành phần kinh tế, trong đó có các ngân hàng, “bắt tay” cùng thành phố hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Quỹ đầu tư mạo hiểm đã được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô và được các đại biểu thảo luận, nhất trí cao.

Tuy nhiên, Quỹ đầu tư mạo hiểm đang nằm trong lĩnh vực thử nghiệm, giải pháp mới, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, do vậy Quỹ là loại hình có thời hạn, có kiểm soát. Thông qua góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như doanh nghiệp, cần điều chỉnh lại mô hình của Quỹ đầu tư mạo hiểm, kèm theo đó là điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế điều hành.