Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống, coi văn hóa là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp để khai thác giá trị văn hóa vào quá trình phát triển, tuy nhiên, do công nghiệp văn hóa là khái niệm mới, cho nên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng.
Tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa 17) đã xem xét, thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Trên cơ sở đó, định hướng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp văn hóa bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người; đồng thời bảo tồn, khai thác tối đa tài nguyên văn hóa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Thành phố xác định mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô, đóng góp từ 4% đến 5% GRDP của thành phố. Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 7% GRDP của thành phố.
Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, các cấp, các ngành của thành phố cần thống nhất nhận thức và hành động. Trước tiên phải bắt đầu từ công tác quy hoạch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển công nghiệp văn hóa; đồng thời xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa.
Xây dựng. hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của kinh tế-xã hội Thủ đô. Ban hành cơ chế, chính sách phát triển thị trường, dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu. Có các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững.
VIỆT ANH