Xây dựng chính sách ứng phó với già hóa dân số

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, Việt Nam có 12,58 triệu người cao tuổi, trong đó có 4,62 triệu người sống ở khu vực thành thị và 7,96 triệu người sống ở khu vực nông thôn (chiếm 63,72%).
0:00 / 0:00
0:00
Người cao tuổi khám sức khỏe tại Bệnh viện Tim Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)
Người cao tuổi khám sức khỏe tại Bệnh viện Tim Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036, nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số; đồng thời, tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng lên 16,53% (năm 2029); 20,67% (năm 2039)… và đến năm 2069 tỷ trọng này chiếm tới 27,11%. Việt Nam trở thành xã hội siêu già.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ cao, trong khi chưa có thời gian chuẩn bị thích ứng. Thực tế đòi hỏi, Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp để ứng phó với tốc độ già hóa dân số nhanh, trong điều kiện của một nước có thu nhập trung bình như hiện nay.

Những “hệ lụy” xã hội khi dân số già

Có thể thấy, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, như: hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, lối sống… Ở nước ta, những thách thức nêu trên đã và đang đặt ra từ năm 2014 khi Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh trong bối cảnh vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh sẽ tác động mạnh đến thị trường lao động, tỷ lệ lao động trong tuổi tham gia thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi; gia tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc. Việc cân bằng cung cầu trong thị trường lao động sẽ bị phá vỡ, nếu không có sự điều chỉnh để người cao tuổi tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động.

Trong bối cảnh già hóa dân số nhanh khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người cao tuổi cần được xem là nguồn lực cho phát triển và phát huy nguồn nhân lực cao tuổi là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn nhân lực cho đất nước tăng trưởng và phát triển kinh tế trong dài hạn; cũng như để bảo đảm an ninh thu nhập cho người cao tuổi và giảm nhẹ gánh nặng tài chính hay chi phí xã hội hỗ trợ cho dân số cao tuổi.

Tốc độ già hóa dân số nhanh cũng làm gia tăng chi phí y tế, chăm sóc người cao tuổi. Người cao tuổi có nhiều bệnh nền và nhiều loại bệnh mãn tính. Do đó, chi phí điều trị cho người cao tuổi rất cao, thường gấp 8-10 lần so với người trẻ, đòi hỏi chi tiêu y tế quốc gia và gia đình cho người cao tuổi rất lớn. Đây là thách thức đối với hệ thống y tế và các gia đình Việt Nam thời gian tới, nếu như chất lượng sức khỏe người cao tuổi không được cải thiện sớm.

Báo cáo của Ủy ban quốc gia về người cao tuổi cho thấy, năm 2021, cả nước có khoảng 6,57 triệu người được hưởng chính sách xã hội, gồm: chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu trí xã hội, chiếm 45,78% tổng số người cao tuổi, điều đó có nghĩa vẫn còn hơn 50% người cao tuổi hiện chưa được hưởng chính sách xã hội, họ phải sống dựa vào nguồn tiết kiệm, dựa vào con cái, người thân, hoặc tiếp tục làm việc để kiếm sống với mức thu nhập thấp...

Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội

Theo Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Matt Jackson, các tiếp cận chính sách an sinh xã hội nên đi theo “vòng đời” thông qua chức năng “4P” của hệ thống bảo trợ xã hội, bao gồm: Thúc đẩy-Phòng ngừa-Cung cấp-Bảo vệ, để đáp ứng một cách có hệ thống và toàn diện các nhu cầu cụ thể của một cá nhân ở từng giai đoạn của cuộc đời.

Theo đó, cần thúc đẩy người dân tham gia lao động và kiếm sống; khuyến khích người trong độ tuổi lao động và người lớn tuổi ở lại thị trường lao động càng nhiều và lâu càng tốt. Thúc đẩy các chương trình đào tạo lại và học tập suốt đời cho người cao tuổi để thích ứng với yêu cầu công việc mới. Tăng tuổi nghỉ hưu và bình đẳng giữa nam và nữ, bảo đảm thực thi các quy định pháp luật về ngăn ngừa phân biệt đối xử với người lao động lớn tuổi…

Đặc biệt, xây dựng hệ thống “phòng ngừa” thông qua hệ thống lương hưu và bảo hiểm xã hội; trong đó, cải cách và tăng cường hệ thống bảo hiểm xã hội đóng chính thức.

Từng bước mở rộng phạm vi bao phủ của các chế độ bảo hiểm xã hội theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu chính thức và thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; giảm các ưu đãi tài chính cho việc nghỉ hưu sớm và rút bảo hiểm xã hội một lần bằng cách áp dụng mức giảm hợp lý theo mô hình thống kê; bình đẳng hóa phúc lợi giữa người lao động khu vực công và tư nhân để mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội.

Tạo cơ chế để người lao động phi chính thức được tham gia, tương tác với hệ thống thuận lợi, thúc đẩy mở rộng diện bao phủ lương hưu cho người cao tuổi, cả cơ chế đóng góp và không đóng góp thông qua hệ thống bảo trợ xã hội đa tầng, hướng tới chương trình hưu trí xã hội phổ cập cho tất cả người cao tuổi, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau…

Tiếp tục mở rộng diện bao phủ và mức hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên cho các đối tượng trợ giúp xã hội, trong đó có người cao tuổi để đạt mức sống tối thiểu, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương hơn như: người già, người dân tộc thiểu số, người nghèo và người sống ở khu vực nông thôn...

TS Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cần sớm hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội tích hợp, đa tầng và hiện đại, chủ động thích ứng với già hóa dân số nhanh. Theo đó, hoàn thiện thể chế, chính sách an sinh xã hội theo hướng chủ động, tích hợp, có sự điều phối và liên kết giữa các hợp phần bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và việc làm; nhằm hướng tới sự bao phủ toàn dân “không để ai bị bỏ lại phía sau” và chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp xảy ra các cú sốc kinh tế và các cú sốc khác.

Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hướng tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, góp phần bảo đảm an ninh thu nhập cho người cao tuổi trong tương lai.

Tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo “Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030”, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi...

Năm 2021, cả nước có khoảng 4,65 triệu người cao tuổi đang tham gia các hoạt động kinh tế, chiếm 32,4% tổng số người cao tuổi trên cả nước. Tuy vậy, chất lượng việc làm và thu nhập của người cao tuổi đều thấp... Đa số người cao tuổi làm các công việc giản đơn trong khu vực phi chính thức, với mức lương bình quân dưới 5 triệu đồng/tháng (chiếm khoảng 72% tổng số người cao tuổi), thấp hơn nhiều so với mức lương bình quân chung của lao động làm công hưởng lương trong độ tuổi lao động (6,48 triệu đồng) trong năm 2021.